Ngày 19/10, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Gia Lai đã bắt quả tang Phạm Thị Tám (sinh năm 1980, trú tại phường Thắng Lợi, TP.Pleiku) khi đang có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép động vật hoang dã và đối tượng Trần Văn Thanh có hành vi vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Cơ quan công an đã bắt tạm giam 4 tháng đối với Tám và ba tháng đối với Thanh.
Khám xét tại nhà của Tám tại số 176/21, đường Âu Cơ phát hiện có 32 cá thể động vật hoang dã gồm: 16 cá thể tê tê; 5 cá thể rắn hổ chúa; 11 cá thể rùa hộp trán vàng và rùa đầu to. Các động vật này đều nằm trong danh mục động vật quý hiếm cấm khai thác, săn bắt, mua bán dưới mọi hình thức. Theo như lời Tám, các động vật này đều được thu mua lại của người dân đi săn bẫy. Khi có người đặt mua, Tám giao cho đối tượng Thanh đi giao hàng.
Sau đó, cơ quan công an đã bàn giao toàn bộ số cá thể động vật thu được cho Trung tâm cứu hộ động vật, sinh vật cảnh Vườn quốc gia Cúc Phương chăm sóc và tái thả về rừng.
Hiện nay, công tác quản lý động vật hoang dã tại Gia Lai còn nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng mua bán, sử dụng trái phép động vật rừng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức. Việc mua bán động vật và các sản phẩm từ động vật hoang dã mang lại giá trị kinh tế cao, vì vậy các đối tượng đã dùng đủ mọi chiêu trò qua mặt cơ quan chức năng.
Gia Lai cũng cũng có nhiều cơ sở nuôi gây động vật hoang dã nhằm mục đích thương mại. Để hạn chế các hoạt động mua bán động vật hoang dã trái phép trái phép dưới các hoạt động nuôi gây động vật hoang dã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các cơ quan liên quan, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện sát sao việc cấp phép và quản lý số động vật hoang dã đang được các cơ sở, hộ gia đình nuôi gây nhốt. Đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng người dân về các quy định bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học của Chính phủ.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 52 cơ sở và hộ gia đình gây nuôi các loài động vật hoang dã như cầy vòi hương, dúi mốc, nai, hươu sao, heo rừng lai, nhím. Nuôi gây động vật hoang dã cũng góp phần đa dạng sinh học, bảo tồn nhiều gen quý. Hiện, các động vật như nai, hươu sao, cầy vòi hương mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để hạn chế tình trạng săn bẫy động vật rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường chỉ đạo các hạt kiểm lâm huyện, thị xã tập trung triển khai công tác tuần tra, giám sát, truy quét các đối tượng xâm nhập rừng trái phép đặc biệt là các đường mòn, lối mở. Thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng, giao khoán rừng, thành lập các nhóm công tác bảo vệ rừng.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp về bảo tồn động vật hoang dã, các loài linh trưởng, kế hoạch phòng chống tội phạm đa dạng sinh học. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ đa dạng sinh học. Có kế hoạch phát triển du lịch bền vững với bảo vệ đông vật hoang dã. Qua hoạt động du lịch tạo thêm điều kiện công ăn việc làm cho người dân quanh vùng đệm, từ đó giảm tình trạng xâm hại rừng, săn bắt động vật hoang dã.