Từ ngày 1/1, người thi bằng lái ôtô bắt buộc phải học thực hành lái xe trên cabin điện tử. Nếu không có đủ thời gian 3 giờ học trên cabin điện tử và số km thực hành trên đường, học viên không được thi sát hạch.
Hải Minh (33 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) đang chờ đến kỳ thi sát hạch cho biết, do thuê giáo viên kèm 1-1 nên phần học thực hành không quá khó khăn với cô ngoại trừ 3 giờ học trên cabin ảo.
“Học viên sẽ phải trải qua 8 bài: đi trong đô thị, đi trên đường cao tốc, đường trơn trượt, bài sa hình… Mỗi bài sẽ xuất hiện những tình huống để tránh. Sau khi học xong rồi tôi nhận thấy nội dung không tương đồng với thực tế ngoài đời. Không khác gì trò đua ô tô game hồi bé hay chơi”, chị Hải Minh hài hước nói.
Theo đó, ở bài đi đường trơn trượt thì toàn bộ cabin giật lên, giật xuống khiến người chị Minh cũng giật liên hồi. Hay khi phải đi đường sóc thì cả ca bin không chỉ lắc mà còn kèm thêm âm thanh dội uỳnh uỳnh bên tai học viên.
“Liệu ngoài đời có đường nào sóc đến độ mà ngồi trong ô tô cửa kính kín mít vẫn nghe thấy tiếng uỳnh uỳnh chói tai không?. Hay như đường đi trong đô thị, lúc nào cũng cảm giác xe ngược chiều đâm thẳng vào mặt mình”, chị Ngọc cho hay.
Tự nhận mình là người rất khoẻ, thần kinh tốt nhưng học trên cabin ảo chưa đến 1,5 giờ chị Hải Minh đã choáng.
“Cabin có 3 màn hình, nhưng tôi không biết 2 cái bên cạnh có tác dụng gì, chỉ tập trung điều khiển theo màn hình chính giữa đã hoa mắt, chóng mặt. Ban đầu, tôi cũng định học 3 giờ cho xong nhưng cuối cùng phải bỏ. Mà trước khi về cũng phải nghỉ một lúc mới đi nổi”, chị Hải Minh cho hay.
Ngày 17/5, trao đổi với VietNamNet, ông N.V.D, giám đốc một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại tỉnh Bắc Giang cho biết, nhận được nhiều phản ánh từ học viên có hiện tượng chóng mặt khi ngồi vào cabin ảo.
Lý do dẫn đến tình trạng này theo ông D là do cabin ảo được thiết kế gồm mấy màn hình nối nhau, cấu hình của máy rất thấp nên các tình huống đưa ra có độ trễ.
“Ví dụ như thao tác đánh lái trên ô tô thật thì xe quay ngay nhưng trên thiết bị phải đợi 2s ‘xe ảo’ mới quay. Hay như tín hiệu đèn rẽ trái, học viên thao tác đúng nhưng xe không rẽ ngay làm học viên mất phương hướng. Chất lượng kém khiến học viên hầu hết đều kêu chóng mặt”, ông D. cho biết.
Trước đó vào ngày 15/5, tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 05/CT-BGTVT về việc tăng cường quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ do Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, một số lãnh đạo Sở GTVT cũng có ý kiến về nội dung này.
Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh lo ngại, thiết bị cabin điện tử, dù mới được triển khai áp dụng nhưng đã bộc lộ những bất cập như thiết bị chưa có cơ chế giám sát, ngăn chặn tình trạng học hộ nhằm gian lận kết quả đào tạo lái xe. Ngoài ra, cabin điện tử cũng làm học viên chóng mặt, nhức đầu.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hoà An nhìn nhận: “Thực tế không một học viên nào có thể ngồi 3 giờ học trong cabin được. Tôi đã lên thử rồi, không thể quá được 20 phút vì chóng mặt, nhức đầu như ý kiến của lãnh đạo Sở GTVT Bắc Ninh đã nêu”.
Vẫn theo ý kiến của ông N.V.D, giám đốc một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại tỉnh Bắc Giang, kỹ năng của người cầm lái đòi hỏi có cảm giác, phản xạ tốt nhưng với thiết bị này, hiện “không đáp ứng được”.
“Bản thân một thiết bị ảo đã không thể bằng lái xe trên đường thật trong khi chính cabin chất lượng không tốt gây nhức đầu, chóng mặt. Do đó, nếu áp dụng đại trà tôi nghĩ vừa không phát huy tác dụng lại gây tốn kém cho cơ sở đào tạo, tăng chi phí với học viên”, ông D. nói.
Dẫn chứng từ trung tâm của mình, ông D. cho biết, mỗi năm đào tạo khoảng 1.000 học viên. Để đáp ứng đủ nhu cầu, ông đã phải mua 3 cabin điện tử, chi phí 430 triệu đồng/1 cabin.
“Chúng tôi tốn hơn 1 tỷ đồng mua thiết bị. Quy định thì phải làm thôi nhưng tôi thấy không có tác dụng”, ông D. nhấn manh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Hoà An cũng kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam nên thay đổi môn học trên cabin cho phù hợp với thực tế hiện nay.