Quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách và giải pháp lớn được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tạo sự thống nhất, quyết tâm cao, khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh của Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nâng cao công tác xây dựng Đảng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, UBND tỉnh Hòa Bình đã triển khai, quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Ông Quách Thế Ngọc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình chủ trì
một buổi giao ban báo chí. Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình.

Ngoài ra, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước. Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đã đánh giá tình hình 5 năm (2015 - 2020); đồng thời đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong đó, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đã đề ra mục tiêu hằng năm, có từ 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ và 85% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Hằng năm, có từ 80% chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ và có từ 80% tổ chức cơ sở của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Từ mục tiêu và quan điểm đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo, định hướng các chi bộ, đảng bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên cụ thể, nhất là nêu cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu.

Ngày 7/9, Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình.

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó trưởng đoàn kiểm tra đã công bố Quyết định số 545/QĐNS/TW, ngày 13/6/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thành lập Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư năm 2022; kế hoạch, lịch làm việc của đoàn kiểm tra tại tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thành ủy Hòa Bình, Huyện ủy Tân Lạc về kết quả thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Kiểm tra việc chấp hành Quy định số 08/QĐ/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Kiểm tra các nội dung nêu trong Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”; Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 24/11/2021 của Bộ Chính trị.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, mục đích của hoạt động kiểm tra nhằm đánh giá đúng thực trạng, những ưu, khuyết điểm trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị về công tác xây dựng Đảng tại địa phương. Đồng thời chỉ rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian tới.

Đoàn kiểm tra của Ban Bí Thư năm 2022 thực hiện kiểm tra công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Hòa Bình. Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa Bình.

Đây cũng là dịp để Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đánh giá lại chất lượng công tác xây dựng Đảng, từ đó tự nhìn lại, chỉnh đốn và tăng cường kỷ luật trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, qua đợt kiểm tra, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra và tự kiểm tra, gắn với tự phê bình, tự soi, tự sửa, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XVII

Theo Quy hoạch vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hòa Bình là một trong các tỉnh cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng Thủ đô với vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó xác định: Hòa Bình đóng vai trò là vùng sinh thái, bảo vệ môi trường, đảm trách những chức năng về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng như cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ nguồn nước; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển các trung tâm du lịch - đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng (hồ Hòa Bình, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi...).

Đây là cơ hội trở thành nơi bố trí các trung tâm logistics và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, phân bố các cơ sở công nghiệp vệ tinh, tham gia vào chu trình sản xuất công nghiệp hiện đại tại các khu công nghiệp. Cơ hội để phát triển và cung cấp các dịch vụ, sản phẩm cho thị trường tiêu dùng vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cũng như dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao của các đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm như đào tạo, y tế, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm... Đó cũng là cơ hội thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như đô thị, du lịch, sinh thái, trở thành ngôi nhà thứ 2 của Thủ đô Hà Nội… Theo các chuyên gia, Hòa Bình có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với các đặc sản có tiếng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước: Thu ngân sách 10.000 tỷ đồng, thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư; thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Tỉnh đã ban hành chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về quy hoạch, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông... để tập trung chỉ đạo thực hiện.

Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã có những chuyển động tích cực, những nút thắt, cản trở sự phát triển đang từng bước được tháo gỡ. Nhiều dự án chiến lược quan trọng về hạ tầng được khởi động như: Đường liên kết vùng Kim Bôi nối với cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; đường thị trấn Xuân Mai đi thị trấn Lương Sơn; cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (Sơn La); đường Quang Tiến - Thịnh Minh; dự án kết nối hạ tầng giao thông thuỷ lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia… tạo  sức hút đối với các nhà đầu tư.

Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng chiến lược, nắm bắt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án theo quy hoạch. Đặc biệt đã xây dựng các chỉ thị tăng cường giải phóng mặt bằng, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, cùng với công tác chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm gắn với trách nhiệm người đứng đầu và cơ chế kiểm tra đôn đốc.

Sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII đã ghi nhận một làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực đô thị, du lịch sinh thái là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Nhiều dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách đã được lên kế hoạch và dự kiến khởi công trong năm 2022. 

Tuy nhiên, môi trường đầu tư của tỉnh vẫn chưa thực sự hấp dẫn, cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn chậm tiến độ... Dù có những thuận lợi cơ bản, song tỉnh đang đứng trước áp lực thu hút đầu tư khi các tỉnh trong khu vực cũng quyết liệt chỉ đạo, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các dự án, nhà đầu tư có tiềm lực.

Với mục tiêu không bỏ lỡ các cơ hội phát triển, tỉnh Hoà Bình tập trung chỉ đạo cấp ủy các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư… Hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp chất lượng cao, đô thị, du lịch sinh thái. Đồng thời chỉ đạo sát sao, thu hồi các dự án chậm triển khai, chưa triển khai.

Hòa Bình cũng có những chính sách tốt để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh. Trong công tác chỉ đạo lấy sản phẩm cụ thể để đánh giá năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu. 

Định hướng đúng đắn, mục tiêu cụ thể, rõ ràng, cán bộ và nhân dân, nhất là các cấp lãnh đạo đều mong muốn khát khao phát triển, có trách nhiệm trước sự đổi mới của quê hương, cùng đồng lòng, nỗ lực giải quyết những vướng mắc, nhất là trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá chiến lược để không bỏ qua những cơ hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.  

Quỳnh Nga