Cam từ lâu đã là loại cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại huyện Cao Phong (Hòa Bình). Huyện Cao Phong hiện có hơn 2.800 ha cây ăn quả có múi, trong đó hơn 1.100 ha cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thương hiệu cam Cao Phong đã được khẳng định trên thị trường và được đông đảo người tiêu dùng mua và sử dụng trong thời gian qua.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch cam Cao Phong, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đầu tháng 8/2021 Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình đã khởi động kế hoạch xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các hội viên, cũng như bà con nông dân trên địa bàn.

Thời gian gần đây, trung bình mỗi tuần Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức 1 hội nghị tiêu thụ một loại đặc sản. Trong đó, tiêu thụ cam Cao phong là một trong những chủ đề thu hút được đông đảo sự tham gia của nhiều hộ sản xuất nông nghiệp nhất.

Ông Đặng Văn Hà, Hợp tác xã Hà Phong, Hòa Bình cho biết, hiện đơn vị này đang có khoảng 150 ha trồng cam, tổng sản lượng ước tính khoảng 1.000 tấn với 3 loại sản phẩm chính là cam lòng vàng, cam canh và cam V2.

Ngoài ra, Hợp tác xã Hà Phong cũng có thêm các sản phẩm chế biến nên rất muốn tiếp cận được thêm nhiều khách hàng, để quảng bá rộng rãi thương hiệu sản phẩm của đơn vị.

“Năm nay dịch bệnh căng thẳng, chúng tôi rất lo cho việc tiêu thụ cam vào 1 - 2 tháng tới đây. Vì thế, bên cạnh việc duy trì kênh tiêu thụ truyền thông, Hợp tác xã quyết định bổ sung kênh tiêu thụ mới là qua sàn thương mại điện tử. Chúng tôi rất kỳ vọng vào kết quả giao dịch qua sàn thương mại điện tử trong năm đầu tiên triển khai này”, ông Đặng Văn Hà chia sẻ thêm.

{keywords}
Nhân viên Bưu điện tỉnh Hòa Bình hướng dẫn các hộ cách thu hái, đóng gói để đưa cam lên sàn Postmart.

Để giúp người nông dân Hòa Bình nói chung và hộ trồng cam tại huyện Cao Phong nói riêng tiêu thụ nông sản, trái cây, đồng thời triển khai kế hoạch của Bộ TT&TT về đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, cuối tháng 8, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trên toàn địa bàn.

Đến thời điểm hiện tại, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ, hướng dẫn được gần 40 nhà cung cấp đưa 56 sản phẩm lên bán trên sàn thương mại điện tử Postmart của Vietnam Post.

Theo Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Hòa Bình Bùi Mạnh Hùng, đưa nông sản nói chung và cam Cao Phong lên sàn thương mại điện tử Postmart sẽ là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ các hộ nông dân địa phương tiêu thụ các sản phẩm nông sản của hộ mình. Giải pháp này sẽ càng phát huy hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh đang xảy ra tại nhiều địa phương.

“Những ngày qua, với mạng lưới và lực lượng lao động phủ rộng tới từng thôn, bản, Bưu điện thường xuyên cử nhân viên đến tận hộ gia đình để hướng dẫn bà con cách thức đưa hàng lên sàn thương mại điện tử Postmart”, ông Bùi Mạnh Hùng cho hay.

Bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp để đưa cam và các nông sản của tỉnh lên sàn Postmart, Bưu điện còn đang miễn phí toàn bộ các chi phí đăng ký, quản lý gian hàng trên sàn thương mại điện tử này cho các hộ nông dân.

Thời gian tới, đơn vị sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về giá cước, đóng gói hàng hóa, quảng bá thương hiệu… để thúc đẩy sản lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị cho cam Cao Phong nói riêng và các sản phẩm nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp tại Hòa Bình trên sàn Postmart.

Vân Anh

Hơn 130 đặc sản của Long An đã được bán trên sàn Postmart

Hơn 130 đặc sản của Long An đã được bán trên sàn Postmart

Hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa hơn 130 sản phẩm là đặc sản đặc trưng của địa phương như khô cá lóc, thanh long ruột đỏ, tinh dầu tràm…. lên bán trên sàn Postmart là một hoạt động được Bưu điện Long An tập trung triển khai.