Hiện nay, dịch vụ ăn uống ở các lễ hội, chợ vùng cao, cửa hàng ăn uống... mang tính chất tạm thời; hàng quán dựng tạm bợ, đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu phương tiện thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều nơi bố trí ngay ở đường đi... làm cho thức ăn dễ ô nhiễm, thực khách dễ bị ngộ độc thực phẩm.

Theo chia sẻ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước (Thanh Hóa), thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng các mô hình, các chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như gạo, thịt lợn, rau và ưu tiên xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại.

rau at.jpg
Chuỗi cung ứng rau quả an toàn đang cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người dân quanh vùng.

Đồng thời, huyện cũng hướng dẫn các xã, thị trấn chỉ đạo cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP.

Đến nay, trên địa bàn huyện Bá Thước đã xây dựng chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, bao gồm chuỗi rau quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điển hình tại xã Điền Lư đã liên kết với các cửa hàng an toàn thực phẩm, như Hợp tác xã rau an toàn Điền Lý. Xã cũng thực hiện nhiều mô hình như: Mô hình “Giết mổ an toàn thực phẩm” với công suất giết mổ 35 con gia súc/ngày đêm; mô hình “Chợ an toàn thực phẩm” gồm chợ Điền Lư và chợ thị trấn Cành Nàng; mô hình “Cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn"; mô hình “Bếp ăn tập thể” Trường Mầm non Điền Lư. Vì vậy, cuộc sống và sức khỏe của người dân địa bàn ngày càng nâng cao nhờ được sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn.

Xã Điền Lư còn hướng dẫn bà con sản xuất thực phẩm an toàn để cung ứng cho các tiểu thương, nhà hàng quanh vùng. Nhờ đó, xã đã hoàn thành 16 tiêu chí an toàn thực phẩm và được công nhận xã đạt chuẩn an toàn thực phẩm vào năm 2018.

Hiện nay, xã đã có 6 mô hình, chuỗi an toàn thực phẩm; trong đó, điển hình là mô hình “Chuỗi cung ứng rau quả an toàn” đang cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người dân quanh vùng. Chuỗi cung ứng rau an toàn với 15 hộ dân tham gia đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn và tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện đến các nhà phân phối, cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm thông qua các chương trình, hội nghị, hội chợ giao thương, kết nối cung cầu.

Qua các hoạt động thiết thực được triển khai đồng bộ sẽ giúp bà con có nguồn thực phẩm sạch sử dụng, ổn định sức khỏe, hạn chế nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Khánh Vy