Cát biển khai thác ở Sóc Trăng được vận chuyển vào gần bờ, bơm nước giảm độ mặn rồi đưa đến công trường thi công cao tốc, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.
XEM CLIP:
Cuối tháng 6 vừa qua, mỏ cát biển gần 100ha ở Sóc Trăng chính thức được đưa vào khai thác, sử dụng cho việc đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông).
Ông Đỗ Minh Châu - Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C (nhà thầu) - cho biết 2 mỏ cát được cấp phép nằm cách bờ hơn 20km.
Hằng ngày, các tàu hút cát hoạt động liên tục. Khi cát đầy khoang, công nhân sẽ đo độ mặn tại chỗ. Tàu sau đó di chuyển vào điểm sang mạn trên đoạn sông Hậu thuộc thị trấn Long Phú (huyện Long Phú, Sóc Trăng).
“Tại đây, chúng tôi liên tục bơm nước ngọt vào khoang tàu để rửa, giảm bớt độ mặn của cát biển. Khi độ mặn còn khoảng 13-17‰, cát được chuyển từ tàu hút sang sà lan. Khi sà lan về đến công trường, một lần nữa cát được bơm nước vào để rửa và kiểm tra lại độ mặn.
Ở Cà Mau, độ mặn đo được trên các kênh, rạch gần khu vực thi công đang ở mức 22-29‰, cao hơn độ mặn của cát. Còn cát khi đó có độ mặn khoảng 20-22‰. Theo tiêu chuẩn, độ mặn của vật liệu đắp phải nhỏ hơn 5% - tương đương 50‰. Như vậy, chất lượng cát tốt, đảm bảo các quy định của ngành giao thông” - ông Châu nói.
Theo đại diện nhà thầu, cát biển tốn nhiều chi phí hơn do quy trình và công nghệ khai thác. Giá thành cát biển xấp xỉ 120.000 đồng/m3, cao hơn khoảng 30% so với cát sông.
Tuy nhiên, cát biển trữ lượng lớn, khi khai thác không gây ra tình trạng sạt lở bờ sông hay ảnh hưởng tới đời sống dân sinh.
Dù vậy, sau gần 2 tháng triển khai, công suất khai thác cát biển mới đạt khoảng 6.500m3/ngày. Tổng khối lượng cát đã đưa về dự án khoảng 80.000m3. Trong khi đó, nhu cầu cát hiện tại là 30.000m3/ngày.
Theo ông Châu, đây là lần đầu tiên tổ chức khai thác cát biển phục vụ thi công dự án cao tốc nên các đơn vị liên quan còn lúng túng về trình tự thủ tục. Bên cạnh đó, phương án và điều kiện khai thác nhiều khi không thuận lợi như biển động, gió lớn, đường vận chuyển xa…, dẫn đến lượng cát biển đưa về công trường chưa đạt được như kỳ vọng.
Dự kiến đến đầu tháng 9, công suất khai thác sẽ tăng lên khoảng 15.000m3/ngày. Nhà thầu đang tiếp tục huy động thêm thiết bị để đảm bảo đạt 20.000-30.000m3/ngày.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài tuyến chính hơn 73km, đi qua địa bàn 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Giai đoạn 2022-2025, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt triển khai các tuyến cao tốc như Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh cùng các dự án của địa phương.
Chỉ tính riêng dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, nhu cầu đắp cát nền đường đã vào khoảng 18,5 triệu m3.
Mặc dù được áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp mỏ vật liệu, nguồn cát sông và công suất khai thác vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu cũng như tiến độ thi công.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp vật liệu thay thế, trong đó có việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại các khu vực phù hợp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai thi công dự án thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 (tỉnh Bạc Liêu) thuộc đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Kết quả cho thấy cát biển đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường và thực hiện tương tự như cát sông.
Ngày 29/6, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C tổ chức lễ khởi công khai thác cát biển.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thành phần 3 đã thành hình. Tuyến đường này sẽ giúp người Sài Gòn chạy xe tới Vũng Tàu tắm biển chỉ hết 70 phút, bằng nửa thời gian đi Quốc lộ 51 thường xuyên ùn tắc như hiện nay.