Theo hãng thông tấn Reuters, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cùng Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã đến Kiev vào sáng 21/4. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận với Tổng thống Zelensky về việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. 

Thủ tướng Sanchez cho hay, ông sẽ chuyển đến Tổng thống Zelensky "cam kết rõ ràng vì hòa bình" từ Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu (EU). Ông cũng khẳng định Tây Ban Nha sẽ mở lại đại sứ quán của nước này ở Kiev, vốn bị đóng cửa từ khi xung đột nổ ra vào ngày 24/2.

Thủ tướng Frederiksen khẳng định: “Phương Tây cần sát cánh cùng nhau để hỗ trợ người dân Ukraine". Bà cho biết Đan Mạch sẽ cung cấp thêm gói viện trợ quân sự trị giá 90 triệu USD cho Ukraine và bổ sung các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Hai thủ tướng Tây Ban Nha và Đan Mạch có mặt tại Kiev (Ukraine). Video: Twitter

Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã đến Kiev để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine. Hôm 20/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã gặp Tổng thống Zelensky trong chuyến thăm bất ngờ tới Kiev. Các nhà lãnh đạo khác như Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã đích thân đến thủ đô của Ukraine. 

Nga đóng lãnh sự quán của 3 nước Baltic

Bộ Ngoại giao Nga hôm nay (21/4) ra tuyên bố lãnh sự quán Estonia và Lithuania tại thành phố St. Petersburg, cũng như các lãnh sự quán Latvia ở St. Petersburg và Pskov, sẽ phải đóng cửa. Tổng lãnh sự của các nước này đều bị Moscow tuyên bố là "cá nhân không được chào đón", và những nhân viên không phải người Nga ở các cơ quan trên buộc phải rời đi.

"Chúng tôi yêu cầu tất cả những người nói trên rời khỏi lãnh thổ Nga trong cùng khung thời gian mà 3 nước Baltic đã yêu cầu nhân viên lãnh sự Nga rời khỏi nước họ", tuyên bố có đoạn viết.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết đã triệu tập các nhà ngoại giao hàng đầu của 3 nước Baltic để "phản đối mạnh mẽ" việc họ đã đóng các lãnh sự quán Nga tại 5 thành phố.

Tháng trước, Nga đã trục xuất 10 nhà ngoại giao Latvia, Lithuania và Estonia sau khi 3 nước này, cùng với một số quốc gia thành viên EU khác, trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.

Đức phản hồi chỉ trích chậm giao vũ khí cho Ukraine

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm nay (21/4) cho biết, nước này đang kiểm tra kho dự trữ xe chiến đấu bộ binh bọc thép Marder đời cũ của mình, và sẽ cần thêm thời gian bảo dưỡng các loại đạn dược và trang thiết bị để có đủ điều kiện bàn giao cho quân đội Ukraine.

“Không có điều gì cấm kỵ đối với chúng tôi trong việc cung cấp xe bọc thép và các loại vũ khí khác mà Ukraine cần", Ngoại trưởng Baerbock nói trong ngày công du thứ 2 ở các nước vùng Baltic, khi nhắc đến những chỉ trích ngày càng tăng về việc Đức đang chậm trễ trong việc cung cấp các vũ khí mà Ukraine cần để chống đỡ các cuộc tấn công từ Nga.

Ngoại trưởng Đức cũng cho biết, ưu tiên của Berlin là đảm bảo Kiev nhanh chóng có được các khí tài đời cũ do Liên Xô chế tạo để quân đội nước này có thể sử dụng mà không cần đào tạo thêm. Bà còn khẳng định Đức sẽ sớm thay thế số vũ khí được các nước đồng minh cấp cho Ukraine bằng các loại vũ khí hiện đại hơn do chính nước này sản xuất. 

Hy Lạp sẽ thả tàu chở dầu Nga bị tạm giữ

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết, tàu chở dầu Pegas cắm cờ Nga bị nước này tạm giữ ngoài khơi đảo Evia trong tuần này sẽ được thả tự do. "Lực lượng bảo vệ bờ biển đã được cơ quan chống rửa tiền ra lệnh thả con tàu", một quan chức Hy Lạp cho biết, song không cung cấp thêm chi tiết.

Tàu chở dầu Pegas có trọng tải 115.500 tấn, với 19 thủy thủ mang quốc tịch Nga, đã bị tạm giữ gần thị trấn Karystos, nằm trên bờ biển phía nam đảo Evia (Hy Lạp), dựa theo lệnh trừng phạt của EU với Nga.

Liên Hợp Quốc: thêm hơn 50.000 người di tản khỏi Ukraine

Tổng cộng 5.085.360 người Ukraine đã di tản khỏi đất nước kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2, theo thống kê từ Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hợp Quốc (IOM).

Con số này tăng 50.921 người so với dữ liệu được đưa ra hôm 20/4. Trong đó, phụ nữ và trẻ em chiếm 90% trong số những người Ukraine di tản ra nước ngoài. Phần lớn nam giới Ukraine từ 18 đến 60 tuổi có đủ điều kiện nhập ngũ đều không thể xuất cảnh.

IOM cũng cho biết, có thêm 218.000 công dân của các nước thứ ba ở Ukraine, phần lớn là sinh viên và người lao động nhập cư, cũng đã sang các nước láng giềng.

Trong khi đó, khoảng 7,1 triệu Ukraine đã rơi vào cảnh mất nhà cửa từ khi xung đột giữa nước này với Nga bùng phát cho đến nay.

Việt Anh