Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h hôm nay, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,2-14,2 độ Vĩ Bắc; 116,3-118,3 độ Kinh Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Nhiều nơi ở miền Trung sẽ có mưa to đến rất to. Ảnh: VNN

Đến 13h ngày 13/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9.

Từ đêm 13-16/10 do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và gió Đông hoạt động mạnh, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Tây Nguyên có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to.

Tuy nhiên đây là một tổ hợp hình thái đa thiên tai, nên một trong 3 yếu tố là áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh và gió Đông thay đổi thì diễn biến mưa, phân bố mưa, cường độ mưa sẽ thay đổi theo.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra 2 kịch bản.

Kịch bản 1 (kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất, là thông tin dự báo trên)

Trong khoảng từ đêm 13-16/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và gió Đông hoạt động mạnh, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Tây Nguyên có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to và giông với lượng mưa phổ biến 200-500mm, có nơi trên 600mm.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở các khu vực cảnh báo mưa lớn trên. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: Cấp 2.

Kịch bản 2: Kịch bản nguy hiểm (khả năng xảy ra thấp hơn hơn kịch bản dự báo trên)

Áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, di chuyển chậm hướng về miền Trung Việt Nam tĩnh lại, ít di chuyển, không khí lạnh mạnh, gió Đông cũng mạnh thời gian mưa kéo dài hơn, cường độ mưa cũng lớn hơn, nó sẽ gây mưa lớn hơn và kéo dài hơn so với kịch bản 1 cho khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.