Người dân quét QR code thanh toán lệ phí giải quyết TTHC tại Trung tâm HCC huyện Hải Hà. 

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, thời gian qua, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích từ chuyển đổi số, đã đồng hành hưởng ứng.

Chị Lỷ Thị Lan, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà làm TTHC cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Từ khi Trung tâm HCC huyện Hải Hà thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử, chị Lan chỉ cần ở bất cứ đâu có kết nối mạng, điền thông tin vào các mẫu đơn, nộp theo hình thức trực tuyến. Mọi vấn đề về thủ tục cần thiết của chị đã được tiếp nhận và giải quyết nhanh gọn.

“Tôi đã được cán bộ của xã lập tài khoản và hướng dẫn nộp hồ sơ qua mạng, giờ đây khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tôi chỉ cần máy tính hoặc điện thoại thông minh là tôi làm được. Điều này giúp cho tôi rất nhiều, tôi không phải di chuyển 15km xuống Trung tâm HCC huyện để làm thủ tục này, do đó giảm thời gian, công sức đi lại", chị Lan chia sẻ.

Thời gian qua, Trung tâm HCC huyện và Bộ phận một cửa hiện đại cấp xã đã luôn chú trọng công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, đó là đẩy mạnh tiếp nhận và trả kết quả TTHC theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử; số hóa hồ sơ TTHC; tuyên truyền, hướng dẫn người dân lập tài khoản và cách nộp TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2023, có 4.100 hồ sơ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến, đạt 99,01%; 4.580 hồ sơ qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, đạt 97,69%.

 Công an huyện Hải Hà tổ chức thu nhận hồ sơ định danh và xác thực điện tử mức 2 cho công dân tại Trung tâm HCC huyện. 

Để hình thành công dân số và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC, tiếp cận được chữ ký số một cách thuận tiện, dễ dàng, từ tháng 5/2023, Trung tâm HCC huyện đã phối hợp với đơn vị viễn thông là VNPT bố trí nhân viên cấp chữ ký số cho công dân. Qua hơn 2 tháng triển khai, đã cấp được 120 chữ kí số cho người dân.

Mặc dù là địa phương vùng cao nhưng lĩnh vực kinh tế số được huyện Hải Hà tích cực triển khai. 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt qua hình thức máy POS, thanh toán trực tuyến, chuyển khoản tại Trung tâm HCC huyện gần 315 triệu đồng (đạt tỷ lệ 93%); qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã gần 96 triệu đồng (đạt tỷ lệ 50,35%).

Đề án 06 được xác định là nền tảng cốt lõi thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Sau khi tuyên tuyền, đẩy mạnh trên địa bàn huyện đã có 95% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh và cài đặt ứng dụng VneID, sử dụng định danh điện tử mức độ 2.

Tính đến ngày 1/6/2023, thu nhận 32.440 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử đạt 120% tỷ lệ thu nhận; đã kích hoạt 18.194 tài khoản định danh điện tử mức 2, đạt tỷ lệ 56,1%.

Để các sản phẩm nông nghiệp vươn ra thị trường lớn, huyện Hải Hà đã đưa 11 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử postmart.vn, voso.vn, Lazada, Shopee..

Tổ công nghệ số thị trấn Quảng Hà tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại nhà các tiện ích của chuyển đổi số.

Để hình thành doanh nghiệp và công dân số, thời gian qua 112 tổ công nghệ số cộng đồng với 1.120 thành viên trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đưa kỹ năng số đến với người dân, doanh nghiệp.

Đến nay hầu hết mọi người dân ở các thôn, khu có thể tự thực hiện các ứng dụng cơ bản trên môi trường mạng, nhất là trong tiếp thu, tiếp nhận các chỉ đạo và tham gia hoạt động của thôn, khu phố nơi mình sinh sống.

Những hiệu quả đem lại từ triển khai chuyển đổi số toàn diện thời gian qua là là yếu tố quan trọng để Hải Hà tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, thúc đẩy hành trình chuyển đổi số về đích sớm, góp phần phát triển nhanh, bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

 Theo Ngọc Trâm (Báo Quảng Ninh)