Ô tô có phải nguyên nhân gây ùn tắc giao thông?

Câu chuyện về việc Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất xây dựng 87 trạm thu phí với mục tiêu giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia và người dân.

Theo Sở GTVT, hiện phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu xe, trong đó có 5,6 triệu xe máy và 600 nghìn ô tô. Số lượng ô tô hiện nay tăng rất nhanh, ước tính là 10,2%/năm. Theo đại diện đơn vị tư vấn, việc đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.

Như vậy, dựa trên lý lẽ mà Sở GTVT cũng như đơn vị tư vấn đưa ra thì ô tô là phương tiện chính gây nên ùn tắc giao thông ở khu vực nội đô, và việc xây dựng 87 trạm thu phí nhằm hạn chế loại phương tiện này bằng rào cản về kinh tế (thu tiền khi đi vào).

Thực tế thì câu chuyện ô tô hay xe máy gây tắc đường tại Hà Nội và các đô thị ở Việt Nam đã là đề tài tranh cãi tốn không ít giấy mực từ cách đây khoảng 5 năm. Đến nay, việc xác định phương tiện nào là nguyên nhân gây tắc đường vẫn không có hồi kết, và cũng chưa có cơ quan hay đơn vị nghiên cứu nào phán xử điều này.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là đến năm 2030, xe máy sẽ bị dừng hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội theo “Đề án quản lý xe cá nhân tầm nhìn đến 2030” đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua vào tháng 7/2017. Đến thời điểm đó, chỉ còn ô tô được hoạt động và có lẽ tranh cãi về việc ô tô hay xe máy gây tắc đường sẽ sáng tỏ hơn.

{keywords}
TP. Hà Nội đang có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó có 5,6 triệu xe máy và 600 nghìn ô tô.

Trao đổi với VietNamNet, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ - nguyên Giám đốc NXB GTVT nêu ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông ở khu vực nội đô Hà Nội bao gồm: Hạ tầng, đường sá kém; mật độ dân cư cao và hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển.

“Diện tích đất dành cho giao thông ở Hà Nội mới đang chiếm khoảng 7-8%, trong khi yêu cầu cơ bản mà các nước đang đạt được là 20%. Đường bé, hẹp, thiếu đồng bộ trong quy hoạch thì ùn tắc là chuyện đương nhiên. Không thể đổi lỗi cho phương tiện cá nhân như ô tô được”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Hà Nội có nhiều điều cần làm trước khi nghĩ đến chuyện thu phí ô tô

Từ 3 nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông ở khu vực nội đô nêu trên, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, phải giải quyết tận gốc vấn đề tắc đường trước, thay vì đề xuất lập trạm thu phí để hạn chế ô tô đi vào khu vực nội thành.

Theo vị chuyên gia giao thông này, nếu việc nâng cấp hạ tầng, đường sá và giảm mật độ dân cư không phải câu chuyện “ngày một ngày hai” thì khả thi nhất là Hà Nội nên tập trung phát triển, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng để đáp ứng được nhu cầu của người dân.

“Đến khi nào mà các tuyến đường sắt đô thị hoạt động, kết nối tốt việc đi lại; xe buýt sạch đẹp, chạy đúng giờ, khoa học, thuận tiện, giá rẻ,… thì những người đi ô tô cá nhân sẽ tự cân nhắc và chuyển sang dùng phương tiện công cộng", TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ.

{keywords}
Trong khi đường phố ngày một đông đúc thì nhiều tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội vẫn chưa thể vận hành.

Về độ phủ của xe buýt hiện nay tại Hà Nội, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, tỷ lệ đáp ứng của các phương tiện công cộng trên địa bàn Hà Nội mới chỉ đạt hơn 10%, do đó, người dân buộc phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân.

Theo ông Liên, giao thông ở Hà Nội không phải là những ô vuông, ô tròn để dễ dàng cấm ô tô; vì cấm ở đường này thì dân sẽ tìm đường khác đi, vô tình “lợi bất cập hại”, có thể còn gây tắc đường hơn và càng khiến tình trạng giao thông đô thị thêm lộn xộn.

“Với trình độ công nghệ, thu nhập người dân và hạ tầng giao thông Hà Nội như bây giờ cũng như những năm tới thì việc thu phí vào nội đô là chưa phù hợp”, ông Bùi Danh Liên thẳng thắn nêu ý kiến.

Nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, nếu Hà Nội quyết tâm đặt mốc là năm 2025 sẽ bắt đầu triển khai thu phí ô tô vào khu vực nội đô thì cần phải thực hiện ngay một số công việc mang tính tiên quyết.

Ngoài hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị đang dở dang, Hà Nội còn phải đầu tư, quy hoạch hệ thống xe buýt thuận tiện, khoa học, có tính kết nối cao để tạo thành mạng lưới giao thông công cộng đủ sức “tải” tối thiểu là 50% nhu cầu di chuyển của người dân.

Xây dựng các bãi gửi xe ô tô quy mô lớn bố trí dọc theo vành đai 3, gần các trạm thu phí để người dân dễ dàng chuyển đổi sang phương tiện công cộng khi cần. Các bãi gửi xe này nên miễn phí hoặc thu tiền với mức hợp lý để khuyến khích chủ xe chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.

Ngoài ra, cần bố trí các trạm thu phí một cách khoa học, hệ thống kiểm soát xe và thu tiền "không dừng" tiên tiến, tránh tối đa việc các ô tô phải xếp hàng chờ. Vì những trạm thu phí có nguy cơ cao biến thành điểm đen tắc đường, khi đó mục tiêu là “giải quyết ùn tắc” sẽ bị phá hỏng.

 

Theo “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào”, vị trí các trạm thu phí nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, đơn vị tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Đơn vị tư vấn đề xuất thời gian thu phí xe vào nội thành từ 5h đến 21h, mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm sẽ có sự khác biệt.

Đối tượng chịu phí là ô tô di chuyển từ bên ngoài vào khu vực thu phí gồm: Ô tô con cá nhân; taxi; xe tải và ô tô khách thương mại. Các loại phương tiện bán công cộng, vận tải sẽ áp dụng các mức phí khác nhau theo hướng thấp hơn so với xe con cá nhân.

Đơn vị quản lý dự kiến lựa chọn công nghệ thu phí không dừng, kết hợp nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm).

 

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 

Hà Nội thu phí ô tô vào nội đô: Nhiều hồ nghi, lo lắng

Hà Nội thu phí ô tô vào nội đô: Nhiều hồ nghi, lo lắng

Liên quan đến việc Hà Nội đang nghiên cứu đặt 87 trạm thu phí để hạn chế ô tô vào khu vực nội đô, nhiều chuyên gia và người dân đã bày tỏ những băn khoăn đối với đề xuất chưa có tiền lệ này.