Theo đó, quy định 4 nội dung gồm: Nội dung chi, mức chi đặc thù chuẩn bị, tổ chức một số kỳ thi áp dụng trong lĩnh vực GD&ĐT của TP Hà Nội. Nội dung chi, mức chi cho Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tiểu học, THCS, THPT của TP Hà Nội; mức tiền thưởng đối với giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lĩnh vực thể thao quần chúng do các cấp TP, khu vực, toàn quốc tổ chức và chế độ đối với vận động viên khi tham gia các giải thể thao quần chúng. Mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025. 

Toàn cảnh phiên họp HĐND TP Hà Nội

Dành 27,9 tỷ đồng cho các kỳ thi

Đối tượng áp dụng nội dung chi, mức chi đặc thù chuẩn bị, tổ chức một số kỳ thi áp dụng trong lĩnh vực GD&ĐT của TP Hà Nội là các cơ quan quản lý Nhà nước về GD&ĐT của TP. Dự kiến tổng kinh phí dự kiến 27,9 tỷ đồng/năm từ TP.

Nguồn kinh phí trên chi tiền công Ban chấm thi trắc nghiệm, Ban phúc khảo bài thi trắc nghiệm đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, lớp 10 chuyên THPT, kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp TP, cấp quận, huyện, thị xã. Tiền công tổ trưởng, tổ phó các tổ chấm thi (ngoài tiền công chấm thi) đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, lớp 10 chuyên THPT (khoảng 2.000 triệu đồng/năm; kỳ thi nghề phổ thông (khoảng 17.000 triệu đồng/năm). Kỳ thi tốt nghiệp tiếng Pháp cấp THCS cho học sinh học chương trình song ngữ tiếng Pháp, chương trình tiếng Pháp tăng cường (khoảng 400 triệu đồng/năm). Hỗ trợ cộng tác viên thanh tra khi được trưng tập làm công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi thi đối với các kỳ thi (khoảng 8.500 triệu đồng/năm).

HĐND TP cũng áp mức chi cho Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tiểu học, THCS và THPT của TP Hà Nội. Cơ sở để chi do việc lựa chọn sách giáo khoa là công việc mới đòi hỏi thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phải đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo tiêu chí lựa chọn cho phù hợp với quy định mới.

Tuy nhiên, do mức độ tính chất công việc lựa chọn sách giáo khoa đơn giản hơn so với công việc thẩm định sách giáo khoa và lựa chọn trên cơ sở danh mục sách giáo khoa đã được Hội đồng thẩm định. Vì vậy, đề xuất mức chi đối với Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa bằng 50% mức chi tối đa quy định tại Thông tư số 29/2021/TT-BTC ngày 28/4/2021 của Bộ Tài chính. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách cấp TP.

Dự kiến kinh phí chi cho Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tiểu học, THCS và THPT của TP Hà Nội mỗi năm khoảng 1.368 triệu đồng.

Khen thưởng các giải thể thao quần chúng

HĐND TP cũng áp mức tiền thưởng đối với giải thưởng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lĩnh vực thể thao quần chúng do các cấp TP, khu vực, toàn quốc tổ chức và chế độ đối với vận động viên khi tham gia các giải thể thao quần chúng.

Theo đó, mức tiền thưởng đối với giải thưởng của các cuộc thi, hội thi, hội diễn, liên hoan trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật: UBND TP đề xuất áp dụng mức chi theo biểu số 02 - Phụ lục 04 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND TP về việc quy định mức chi giải thưởng của các cuộc thi, hội thi, hội giảng, kỳ thi tay nghề trên địa bàn TP. 

Nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện năm 2022 là 8,3 tỷ đồng. Trong đó, cấp TP 4,2 tỷ đồng; cấp quận, huyện, thị xã 2 tỷ đồng; cấp xã, phường, thị trấn 2,1 tỷ đồng.

Hỗ trợ thêm nhiều đối tượng khi tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện

HĐND thành phố đã quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Đối tượng áp dụng  gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1/1/2018 trở đi; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm); người tham gia khác…

Đối tượng người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định theo quy định tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 05/9/2021 của UBND TP quy định chuẩn nghèo đa chiều của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Nguồn kinh phí thực hiện cho mức chi này từ ngân sách quận, huyện, thị xã. Riêng năm 2022, đối với các huyện, thị xã khó khăn chưa tự cân đối ngân sách, UBND các huyện, thị xã tổng hợp kinh phí hỗ trợ gửi Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội tổng hợp, phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND TP bổ sung kinh phí cho các huyện, thị xã triển khai thực hiện chính sách.

Thành phố cũng dự kiến kinh phí hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn 2022-2025 khoảng 181.966 triệu đồng. Thời gian thực hiện từ 1/8/2022 – 31/12/2025.

HĐND TP cũng thông qua 2 nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp TP; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội.

Theo đó, HĐND TP  phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 27 dự án với tổng mức đầu tư là 5.168,873 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư là 634,134 tỷ đồng, trong đó vốn tăng thêm so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt là 241,378 tỷ đồng.

H.Q