Định hướng phát triển đô thị đến năm 2045, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng thành phố phía Bắc sông Hồng có diện tích khoảng 633 km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Đến năm 2045, quy mô dân số của thành phố này khoảng 3,25 triệu người.
Đất xây dựng đô thị thành phố phía Bắc sông Hồng được quy hoạch khoảng 385 km2, dân số 2,92 triệu người. Khu vực ngoài đô thị khoảng 248 km2, dân số khoảng 0,33 triệu người. Thành phố mới của Hà Nội gồm 45 phường và 24 xã.
Vị trí đề xuất trung tâm thành phố phía Bắc sông Hồng được dự kiến tại khu vực phía Nam Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, gần các trung tâm lớn như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa.
Thành phố phía Bắc được định hướng chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng Hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh.
Một số khu vực ở thành phố phía Bắc sông Hồng được phép phát triển cao tầng, hiện đại, xanh, kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp.
Triển khai định hướng trên, ông Nguyễn Thanh Liêm - Bí thư Huyện ủy Mê Linh cho biết, huyện đã xác định lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng cho sự phát triển trong nhiều năm tới.
“Mê Linh được định hương phát triển theo hướng bền vững để làm tiền đề lên quận, hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô”, ông Liêm nói.
Theo PGS.TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Việt Nam, huyện Mê Linh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và phía Bắc sông Hồng nói chung.
“Vị thế của Mê Linh không huyện nào có được vì gần sân bay, có đường sắt, đường cao tốc và nằm ven sông Hồng... Huyện Mê Linh cần tận dụng hết tiềm năng vốn có đó để làm động lực phát triển”, ông Chính nói.
Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, các huyện phía Bắc sông Hồng của Hà Nội có nhiều di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt quan trọng như đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh), đền Gióng (Sóc Sơn), di tích Cổ Loa (Đông Anh).
"Định hướng xây dựng các huyện này thành quận hay thành phố trong tương lai cũng phải gắn với bảo tồn và khai thác tiềm năng lợi thế của các di sản này để làm động lực phát triển", ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Riêng với huyện Mê Linh, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, TP. Hà Nội cần nhận diện đúng vị thế đây là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô nên có vai trò quan trọng là liên kết vùng. Do vậy, đầu tư phát triển Mê Linh không chỉ tạo động lực phát triển Hà Nội trong tương lai, mà còn cho cả khu vực phía Tây Bắc.
Phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ của kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội, ông Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, sự gia tăng dân số quá nhanh đã kéo theo hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc như rác thải, nghĩa trang, ùn tắc… Vì vậy, TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Theo đó, để tìm cực tăng trưởng mới, TP Hà Nội đã định hướng xây dựng 2 thành phố ở phía Bắc sông Hồng và phía Tây. Theo ông Huy, 2 thành phố này bao trùm lên các đô thị vệ tinh đã được xác định trong quy hoạch chung Thủ đô từ năm 2011 như Xuân Mai, Hoà Lạc và Sóc Sơn. Cũng nêu ý kiến tại tổ, đại biểu HĐND TP Hà Nội Phạm Đình Đoàn cho rằng, thành phố nên mạnh dạn thuê các tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm để làm các quy hoạch xây dựng đô thị thông minh, hiện đại. “Tư vấn nước ngoài đi trước chúng ta nhiều năm trong quy hoạch đô thị. Quy hoạch của họ sẽ đảm bảo chất lượng hơn, tính khả thi cao hơn. Do vậy, nếu có tốn tiền cũng phải thuê, vì chi phí này chắc chắn rẻ hơn so với việc chúng ta bỏ tiền ra giải quyết các vấn đề bất cập sau này”, ông Đoàn nói. |
Huyện Mê Linh nằm ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, có diện tích đất tự nhiên trên 141,64 km2, với quy mô dân số trên 240.000 người. Huyện có 18 đơn vị hành chính cấp xã (16 xã, 2 thị trấn), với 99 thôn, tổ dân phố. |