Là tỉnh nằm ở địa đầu cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với nền văn hóa lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn, có di tích người tiền sử ở các huyện Bắc Mê, Mèo Vạc.

Với 19 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những lễ hội sinh động đã giúp Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành các quyết định công bố ba di sản văn hóa phi vật thể của Hà Giang vào trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đó là tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người Cờ Lao, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn; Nghề thủ công truyền thống làm nón hai mê của người Tày, xã Xuân Giang, huyện Quang Bình; Nghệ thuật trình diễn Hát quan làng của người Tày, huyện Quang Bình.

Lễ cúng rừng của người Cờ Lao, xã Sính Lủng

Người Cờ Lao có nhiều nét văn hóa phi vật thể rất phong phú, có vốn văn hoá dân gian truyền thống bao gồm truyện kể dân gian, dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống khá phong phú. Trong đó có Lễ cúng thần Rừng dân tộc Cờ Lao sinh sống tại thôn Má Chề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn. 

chuanbi.png
Mỗi người một việc, chuẩn bị cho nghi lễ cúng rừng

Người Cờ Lao quan niệm rằng thế giới bao gồm 3 bộ phận cấu thành đó là: Trời, đất, nước. Người Cờ Lao chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Họ cho rằng, tất cả mọi vật sống như: cây cối, hoa màu, ngô, các loại vật nuôi.. đều có linh hồn. Chính vì vậy người Cờ Lao quan niệm rằng muốn có cuộc sống an lành, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt không ốm đau, bệnh tật và hoa màu phát triển tốt, vật nuôi mau lớn, không có dịch bệnh thì cần phải tiến hành nhiều lễ cúng, bởi thế người Cờ Lao luôn chú trọng việc cúng các thần là rất quan trọng, đặc biệt là lễ cúng thần rừng mang ý nghĩa cộng đồng cao và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Lễ cúng thần rừng đóng vai trò tiếp thêm sức mạnh cho người dân, giúp họ luôn tin tưởng vào sự hiện diện của các đấng thần linh luôn song hành trong cuộc sống, ở bên cạnh họ mỗi khi họ cần, gặp khó khăn.... Đồng thời thông qua việc tổ chức lễ cúng sơn thần thổ địa còn góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, có vai trò lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ nhớ về lịch sử, bảo vệ môi trường sống, bên cạnh đó đây cũng chính là xuất phát từ nhu cầu chính đáng về mặt tinh thần, tín ngưỡng mà toàn xã hội phải làm sao giữ gìn và bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Nghề thủ công truyền thống làm nón hai mê của người Tày, xã Xuân Giang

Ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, dân tộc Tày chiếm 80% số dân trên địa bàn. Ở đây nổi tiếng với nghề làm nón lá hai mê. 

Để làm ra được một chiếc nón hai mê, trước tiên là cần sự tỉ mỉ trong việc chọn cây giang để đan thành khuôn nón. Công đoạn đan khuôn nón cũng yêu cầu người thợ phải có kỹ thuật đan thành thục. Lá cọ non được lựa chọn kỹ lưỡng và hong qua lửa mềm rồi mới được đặt vào giữa hai mê nón. Đây là công đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi nhiều công phu và sự cẩn thận, chỉ một chút sơ xẩy là có thể bị rách và lệch so với hai mê nón.

Đối với hai mê nón, chúng được cất lên gác bếp để bồ hóng bám vào vừa không bị mối mọt vừa thành màu đen đặc trưng. Chiếc nón đối với người Tày không chỉ là vật che mưa, che nắng mà còn có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới, hỏi. 

Nhằm khôi phục và phát triển nghề đan nón hai mê truyền thống, thời gian qua, UBND huyện Quang Bình đã tổ chức các lớp bảo tồn và phát triển nghề đan nón lá.

Toàn xã hiện có khoảng 60 hộ thường xuyên tham gia thực hiện làm nón. Cứ vào mùa nông nhàn, các chị em thường tổ chức làm những chiếc nón mang đậm truyền thống của dân tộc mình nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và trao đổi tại các phiên chợ.

Nghệ thuật hát quan làng trong lễ cưới của người Tày, huyện Quang Bình

Hát Quan làng còn gọi là “thơ lẩu” của dân tộc Tày. Đây là một phong tục đẹp trong đám cưới truyền thống của người Tày, với hệ thống các bài thơ, bài hát được chia thành các cung đoạn cụ thể. Những người hát Quan làng (tiếng Tày gọi là Pú Quan làng) là những người làm nhiệm vụ thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về.

damcuoi.png
Ảnh minh hoạ

Trong đám cưới của người Tày ở xã Tùng Bá, lễ vật cưới gồm: 40 kg thịt lợn, rượu 40 lít, 40 kg gạo nếp, chè thuốc... Các lễ như: Lễ cho họ hàng, lễ cho ông, bà ngoại cô dâu, lễ cho chị gái. Trong đó, đoàn đón dâu nhà trai cũng như đoàn nhà gái gồm: Hai ông, hai bà Quan làng (một chánh, một phó), chú rể, phù rể và những người bạn, người em của chú rể (những người gánh lễ vật). Quan làng là người đại diện cao nhất của họ nhà trai (nhà gái), thay mặt bố, mẹ và họ hàng ứng xử mọi việc. Vì vậy, Quan làng phải là người đứng tuổi, đức độ, có uy tín, phong thái đĩnh đạc, người có vợ con, gia đình êm ấm, hạnh phúc, có tài ứng khẩu thành thơ… Nhưng quan trọng là phải biết hát Quan làng.

Không khí lịch thiệp, tao nhã do các bài hát gây nên càng thể hiện rõ qua các bài hát đôi bên ân cần mời mọc nhau trầu, nước. Bên chủ thường nhún nhường, tự hạ mình trước khách quý từ xa đến. 

Bên cạnh việc nêu lên thái độ lịch thiệp, nhã nhặn của những con người có văn hóa, những bài hát quan làng còn thể hiện khá rõ các quan điểm đạo đức, các quy tắc xử thế tốt đẹp trong mối quan hệ gia đình, quan hệ cộng đồng. Đó là tấm lòng của con cái đối với công ơn bố mẹ: Công nuôi đẻ lớn bằng sông núi/Con lớn bao mẹ héo bấy nhiêu/Có nuôi con mới biết hết điều/Công cha mẹ nuôi ta từ nhỏ/Người xưa để lại nay câu ví/Dâu giỏi do cách mẹ bảo ban/Rể khôn do công bố mẹ dạy…

Bài hát quan làng đặc biệt nêu cao mối quan hệ thuận hòa giữa đôi vợ chồng theo quan điểm của người lao động: Xin họ mạc lưu tâm chỉ bảo/Cho vợ chồng yên đạo thuận hòa/Chăm lo việc cửa nhà đồng áng/Chớ ra người mạt hạng xấu lười/Của cải tự tay như nguồn nước/Của mẹ cha chẳng khác lũ trôi…

Hệ thống bài ca quan làng diễn xướng theo trình tự nghi thức hôn lễ cho thấy được phần nào những nét tốt đẹp trong phong tục cổ truyền của đồng bào Tày: tục mến khách, con cái đền công ơn bố mẹ sinh thành, sự chăm chỉ lao động…, nói chung là tri thức văn hóa phong phú cũng như tài năng sáng tạo nhanh nhạy, sắc bén. Hát quan làng tuy được giới hạn trong phạm vi của cuộc hôn lễ gia đình nhưng nội dung phản ánh của nó không chỉ trong phạm vi tục lệ hôn nhân, trong phạm vi quan điểm đạo đức trong gia đình mà nhiều khi còn vượt ra ngoài phạm vi đó để phản ánh những vấn đề xã hội - lịch sử rộng lớn hơn nhiều. 

Như vậy với việc ghi danh tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cúng rừng của người Cờ Lao, xã Sính Lủng; Nghề thủ công truyền thống làm nón hai mê của người Tày, xã Xuân Giang; Nghệ thuật trình diễn Hát quan làng của người Tày, huyện Quang Bình đến nay Hà Giang có tổng số 30 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó có 6 di sản của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người như, Bố Y, Lô Lô, Pu Péo và Cờ Lao. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng các dân tộc Hà Giang, là cơ sở để các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Yên Minh