Báo VietNamNet vừa đăng bài viết: “Hút 400 tấn vàng trong dân bằng chứng chỉ vàng, trả lãi như gửi tiền tiết kiệm” với ý kiến của các chuyên gia về vấn đề nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ chứng nhận vàng do Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước phát hành để đảm bảo an toàn. Thay vì giữ vàng vật chất thì chứng chỉ này sẽ giúp người dân chỉ cần giữ “vàng giấy” đó và có thể trao đổi trên sàn giao dịch.
Bài viết đã nhận được hàng trăm ý kiến của độc giả khắp nơi gửi về, trong đó có những ý kiến tán thành với chứng chỉ chứng nhận vàng; nhưng cũng có ý kiến lo ngại, không đồng ý. Bên cạnh đó, cũng có độc giả đưa thêm giải pháp cho thị trường vàng.
Chứng chỉ vàng cực tốt, nhưng làm sao để dân tin tưởng?
Độc giả Vũ Xuân Thành đánh giá, về cơ bản, gửi vàng cho nhà nước cầm chứng chỉ là một hành động góp phần ổn định nền kinh tế của đất nước, giúp nhà nước tự chủ hơn về kinh tế. Đây là điều cực kỳ tốt.
Ý kiến khác cho rằng, vấn đề là nhà nước quản lý ra sao, để dân tin tưởng gửi vàng vào. Bản thân độc giả này cũng muốn gửi vàng cho nhà nước, vì đó là trách nhiệm với Tổ quốc.
“Phải có chính sách gửi vàng như gửi tiết kiệm thì mới huy động được để phát triển kinh tế, chứ như hiện nay gửi vàng lại mất phí thì không ai gửi đâu.
Ngân hàng có chính sách gửi tiết kiệm bằng vàng và trả lãi bằng vàng thì sẽ huy động được vàng trong dân thôi; với điều kiện nhà nước bảo đảm”, một số ý kiến khác của bạn đọc.
Trong khi đó, độc giả Hữu Lê cho hay: “Chỉ cần quỹ tiết kiệm nhận gửi vàng và trả lại bằng vàng, lãi suất 3%/năm thì vàng trong dân sẽ lũ lượt gửi vô ngân hàng, đơn giản vậy thôi”.
Nhiều ý kiến khác cũng tán thành với chứng chỉ chứng nhận vàng, nhưng họ cho rằng, làm sao có chính sách khuyến khích, để người dân tin tưởng.
“Huy động được vàng trong dân thì tốt quá, nhưng phải có chính sách hợp lý, khuyến khích. Chứ như gửi ngoại tệ không lãi suất, có ai gửi làm gì. Tự nhiên tiền của mình lúc cần lại phải ra ngân hàng lấy. Còn để giá vàng chênh lệch quá cao so với thế giới thì nguy cơ buôn lậu cao. Đến cả xe tải heo còn đi lậu qua được thì hỏi thỏi vàng là gì?
Đồng tiền liền khúc ruột, làm thế nào để người dân tin tưởng cắt khúc ruột của mình giao cho là cả một vấn đề”, ý kiến của độc giả nêu.
Có ý kiến lo ngại, bảo lưu “cất két”
Theo bạn đọc Thai Pham Quoc: Người dân giữ vàng vì nó là tài sản vật chất cần giữ được trong im lặng, còn chứng chỉ vàng là tờ giấy luôn bị kiểm soát của một cơ quan nhà nước.
“Tại sao lại phải tích vàng? Vì nhỡ có vấn đề gì thì dùng vàng đổi ra được tài sản khác. Cầm đống giấy chứng nhận thì thà gửi tiết kiệm online cho khoẻ”, một ý kiến khác nêu quan điểm.
Còn bạn đọc Hồ Thị Thư Dinh lại cho rằng: Chỉ cần cho gửi tiết kiệm bằng vàng, hưởng lãi bằng vàng thì sẽ có người gửi. Còn chứng chỉ vàng, không khả thi.
Theo bạn đọc Hoài Sa: Không ai làm vậy đâu. Có mua bán chứng chỉ với nhau thì được, chứ bảo bỏ vàng ra đổi giấy thì không ai dám đâu.
“Chẳng ai lấy vàng thật đi đổi mấy tờ giấy”, độc giả Quốc Chiến bình luận.
Ý kiến của độc giả khác lại cho rằng, người dân đang rút tiền tiết kiệm để mua vàng, giờ lại bảo gửi vàng như lãi tiết kiệm thì ai nghe.
“Kiểu như chuyển tiền vật chất sang tiền ảo, tiền số ấy. Có chăng là có cái đảm bảo của pháp luật, của nhà nước thôi. Cái ý tưởng này cũng nhiều rủi ro. Thực tế hiện tại không khả thi chút nào”, bạn đọc Tùng Nguyễn Thanh bình luận.
Cũng có những độc giả bình luận thể hiện sự lo ngại đặt câu hỏi: Chứng chỉ vàng là thẻ kỹ thuật số hay giấy vật chất dễ cháy, mất. Không may cháy mất tờ giấy gửi vàng thì lấy lại vàng làm sao?
“Vàng khi xảy ra sự cố gặp nước và lửa nhiệt không cao thì vẫn còn là miếng vàng trong két. Còn đem tờ giấy chứng nhận về gặp nước với lửa thì chả còn gì. Tóm lại vàng hay tiền là phải trong két, trong ngân hàng mới yên tâm. Còn phải có lãi chứ không chơi bài tôi giữ vàng hộ ông còn phải trả phí cất hộ. Dân không cần cất hộ. Bởi kiếm được mới khó chứ cất thì đơn giản. Mặt khác, cần cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu vàng và đưa vàng trong nước liên thông với thế giới. Đó mới là cơ chế thị trường được”, độc giả Phạm Tuấn Anh góp ý.
Một ý kiến khác lại đặt câu hỏi: Giả sử mua vàng giá 60 triệu đồng/lượng, gửi vào ngân hàng lãi suất bằng lãi suất tiền gửi, ví dụ 7%/năm. Mới gửi được 2 tháng đột nhiên giá vàng tăng lên 80 triệu đồng/lượng thì ai được hưởng chỗ tăng đột biến ấy?
Một góp ý về giải pháp từ bạn đọc Thanh Nguyễn Chí: Nhà nước chỉ can thiệp khai báo vàng huy động sẽ được nhà nước đảm bảo bằng luật pháp như sổ hồng bất động sản. Nếu gửi vào nhà nước số vàng sẽ được giao dịch hợp pháp theo mã định danh, quyền lợi mua bán theo sàn vàng thế giới, không thuế, đến bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể rút được trên toàn quốc. Người mua vàng giá chợ đen khi thanh toán với nhà nước sẽ không được thừa nhận và phải nộp phí chứng minh. Nói cách khác, anh khai báo vàng, nộp vào kho bạc, thời hạn sau một năm anh được quyền rút ra giao dịch theo mã định danh không thu thuế. Vàng không khai báo, vàng giao dịch chợ đen, mất nhà nước không chịu trách nhiệm. Vàng nhẫn trang sức đã được đánh thuế thì bên mua bán vàng phải có lượng vàng ký quỹ để định danh; chỉ được phép chuyển số vàng định danh sang trang sức hoặc lượng vàng trang sức tương đương. Vàng định danh như hình thức nhà nước bảo hiểm số vàng không tính lãi. |