Năm 2018, trong phần thi ứng xử của một cuộc thi hoa hậu, đã có một câu hỏi khiến cả gia đình tôi cùng tranh luận rất nhiều: Người ta nhận xét ở thời đại công nghệ ngày nay, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau. Bạn nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng lòng nhân ái sẽ không còn?
Có ý kiến cho rằng quan điểm này thật sự vô cùng hợp lý, người lại phản đối vì mệnh đề “thời đại công nghệ” hoặc “ít quan tâm đến nhau”. Còn tôi, một cô bé 17 tuổi, lúc bấy giờ tin rằng, con người vẫn luôn và sẽ luôn yêu thương nhau.
Thời gian trôi qua, tôi mang theo câu hỏi ngày ấy mà trưởng thành. Sau mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi thử thách hay khó khăn, tôi lục lọi, ghép nối từng mảng ký ức để đưa ra câu trả lời cho phần thi ứng xử của mình.
Kỳ diệu là dù cho bản thân đang ở hoàn cảnh buồn thương nhất, tôi vẫn luôn tin vào tình yêu thương và sự nhân hậu của con người. Vì như những câu chuyện mà tôi đọc được trong cuốn sách Gieo hạt mầm tử tế và Những chồi non hy vọng của Amy Newmark, dẫu có bao nhiêu dối trá, lừa lọc và đau khổ đi chăng nữa, tình yêu sẽ luôn cứu rỗi lấy con người.
Can đảm để yêu
Gieo hạt mầm tử tế mang đến 27 câu chuyện nhỏ. Ở mỗi câu chuyện, không chỉ bắt gặp những con người tội nghiệp, đang lạc lối trong hố sâu bị kịch của bản thân hay các “thiên thần” không ngần ngại trao đi tình yêu; ta còn nhìn thấy những con người bình thường, luôn trăn trở giữa được và mất, giữa nghi ngờ hay tin tưởng, trước khi trao đi tấm lòng của mình.
Đó là người mẹ Gwen phải chăm sóc đứa con trai bị tự kỷ, là người cha phải căng thẳng “canh gác” đứa con nhỏ trong suốt một chuyến bay dài, hay người mẹ của “trợ lý ông già Noel”. Điều thú vị là nếu như những đứa trẻ luôn sẵn lòng giúp đỡ và sẻ chia thì các phụ huynh thường lo sợ, ngần ngại, hay thậm chí là tức giận, như người mẹ khi biết con gái mình đã lấy tất cả đồ đạc trong gia đình để tặng cho cô bạn bất hạnh.
Thật khó để trách họ. Và cũng thật sai khi nói rằng, càng trưởng thành, lòng nhân hậu của con người càng mất đi. Bởi chính chúng ta, khi mỗi ngày phải cân đo từng khoản chi phí sinh hoạt, đối diện với vô vàn tin tức về các chiêu trò lừa đảo mới, việc cho đi mang về biết bao nỗi sợ và sự lo lắng.
Liệu chăng lòng tốt có bị lợi dụng? Tình thương sẽ được trân quý? Sự yếu lòng của bản thân có mang lại tổn hại cho những người mà ta yêu thương? Không phải con người chẳng còn “lòng nhân ái”, chỉ là dần mất đi sự can đảm để trao đi tình yêu.
Những đứa trẻ trong Gieo hạt mầm tử tế là những thiên thần trong sáng và thuần khiết. Bằng sự ngây thơ của mình, chúng không chỉ xoa dịu bất hạnh mà còn dạy cho cha mẹ và chính người đọc bài học về tình thương. Rằng đôi khi, trao đi niềm tin và tình yêu có thể tạo nên sự thiệt thòi và vô số rủi ro không thể lường trước được.
Thế nhưng, niềm hạnh phúc và sự tự hào khi ta can đảm mở lòng là vô cùng to lớn và quý giá, không có bất kỳ của cải nào có thể sánh bằng. Và chỉ cần một lần, thử bước chân ra khỏi vùng an toàn để chào đón ai đó bất hạnh ngoài kia, chính mỗi người cũng được xoa dịu niềm bất hạnh trong thâm tâm.
Can đảm để được yêu
Thế nhưng, hơn cả trao đi tình yêu, can đảm để đón nhận tình yêu có lúc còn khó khăn hơn cả. Bởi lẽ, chấp nhận mở lòng với một người đồng nghĩa với việc, ta chấp nhận cho họ nhìn thấu những góc khuất sâu thẳm bên trong, chấp nhận rủi ro mà họ có thể làm tổn thương và xem đau thương của họ là tổn thương của chính mình.
Bởi ngôn ngữ của tình yêu thật đa dạng, nỗi sợ về một ngày tình thương của ta sẽ phải đứng trước thử thách lại càng khiến nhiều người mất đi can đảm để yêu thương.
Thế nhưng, dẫu can đảm để yêu thật khó, ai cũng cần có tình yêu tiếp sức tiến lên trong cuộc đời. Nếu trong câu chuyện Khởi đầu bằng 1 đô-la Donna không đón nhận sự cởi mở của người sếp, có lẽ cô vẫn chật vật với các hóa đơn tài chính cùng một sự mặc cảm vô hạn vì không thể đóng góp vào quỹ từ thiện của công ty.
Nếu cô bé trong câu chuyện Vượt lên nỗi sợ hãi không nhận sự trợ giúp và tình yêu của mẹ, có lẽ cô luôn sống trong nỗi lo sợ đến từ vụ tai nạn ô tô trước đó và không bao giờ có thể vui chơi, sinh hoạt bình thường như bao người bạn bằng tuổi.
Và chúng ta, nếu luôn sợ hãi thu mình giữa thế giới rộng lớn, liệu còn có đủ động lực để đương đầu với khó khăn, đủ mạnh mẽ đứng dậy sau mỗi thất bại và đủ hạnh phúc khi đạt được vinh quang? Ai cũng cần tình yêu để sống. Và thật bất hạnh nếu ta vì mãi sợ hãi mà chối từ tình yêu từ những người xung quanh.
Quay lại với câu hỏi: “Ở thời đại công nghệ ngày nay, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau”. Tôi tin rằng, dù cho công nghệ có thể khiến nhân loại thêm nghi ngờ vào những điều tốt đẹp, nhưng lòng nhân hậu giữa người với người vẫn còn đó. Chỉ cần thêm can đảm để cho đi và đón nhận, tình yêu rồi sẽ đến và giúp chúng ta vượt qua trở ngại.
Nguyễn An