Giao hàng bằng drone tới tận cửa nhà khách hàng sắp trở thành hiện thực tại Nhật Bản. Ngày 24/3, Bưu điện nước này thử nghiệm dùng máy bay không người lái tại khu dân cư ở Okutama, phía tây Tokyo, cách bưu cục 2km. Chuyến giao hàng đặc biệt mất khoảng 5 phút, nhanh hơn nhiều so với giao bằng xe tải (15 phút).
Một số công ty đã tiến hành thử nghiệm giao hàng bằng drone tại các hòn đảo và vùng núi xa xôi. Thử nghiệm hôm 24/3 của Bưu điện Nhật Bản được xem là cột mốc đáng chú ý vì đây là chuyến bay cấp độ 4, cấp khó nhất vì drone vận hành ngoài tầm quan sát của mắt thường tại khu vực dân cư và đô thị.
Từ năm 2020, Bưu điện Nhật Bản bắt đầu các thử nghiệm cấp độ thấp hơn tại Okutama, bay qua các ngọn núi và sông nơi không có người sinh sống, dẫn đến tuyến đường dài hơn. Khi chuyển lên cấp độ 4, công ty giảm được thời gian giao hàng nhờ thực hiện bay trực tiếp qua các ngôi nhà và đường bộ.
Shinya Koike, Giám đốc cấp cao tại Bưu điện Nhật Bản, chia sẻ cần tiếp tục tìm hiểu chính quyền địa phương và người dân trước khi mở rộng dịch vụ.
Trong lúc mua sắm trực tuyến đang phổ biến hơn bao giờ hết, các bưu kiện cũng nhỏ hơn và được giao thường xuyên hơn. Nếu drone được dùng trong giao hàng tận nơi, việc mang các nhu yếu phẩm như thực phẩm, thuốc men đến những khu vực vùng núi rộng lớn sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Từ khi chính phủ nới lỏng quy định thực hiện chuyến bay cấp độ 4 vào tháng 12/2022, chỉ có duy nhất Bưu điện Nhật Bản nộp hồ sơ xin bay đến Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch. Dù vậy, tính đến 15/3, đã có khoảng 90 người nộp giấy phép phi công cần thiết để phê duyệt mức 4, cho thấy các công ty khác có thể đang rục rịch.
Seven-Eleven Nhật Bản và ANA Holdings bắt đầu thử nghiệm từ mùa thu năm ngoái với mục tiêu thương mại hóa dịch vụ giao hàng bằng drone đến các hòn đảo xa như Kyushu vào năm 2025. Chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart và Lawson cũng cân nhắc điều tương tự.
Thử nghiệm cho thấy nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bao gồm thời tiết. Chuyến bay mới đây của Bưu điện Nhật Bản lên lịch vào ngày 23/3 nhưng phải lùi sang hôm sau do trời mưa. Hãng chuyển phát nhanh Sagawa Express cũng muốn thử nghiệm giao các kiện hàng nhỏ nhưng cuối cùng vẫn phải dùng xe tải vì thời tiết khắc nghiệt.
Hàng loạt bài kiểm tra khác của hãng viễn thông KDDI lại thấy rằng cần phải có thanh tra drone khi cất cánh và hạ cánh, đồng nghĩa cần có thêm nhân viên bảo trì bên cạnh phi công. Nó sẽ làm tăng áp lực lên ngành công nghiệp hậu cần và chuyển phát, vốn đã bị ảnh hưởng từ thiếu hụt lao động.
Để phổ biến giao hàng bằng drone, chính phủ Nhật Bản cho biết cần phát triển hệ thống quản lý giao thông thiết bị bay không người lái (UTM) để kiểm soát, quản lý kế hoạch bay, bản đồ và thông tin địa điểm trong khi phòng tránh các vụ va chạm giữa các drone. Tính đến tháng 9/2022, khoảng 310.000 drone đã được đăng ký với chính phủ.
(Theo Nikkei)