Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (25/3) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 21/3 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 780 đồng/lít, giá xuống mức 22.020 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 780 đồng/lít, giá bán là 23.030 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 1.200 đồng/lít, giá bán không cao hơn 19.300 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.250 đồng/lít, giá bán là 19.640 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 21/3 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 23.030 -780
Xăng E5 RON 92-II 22.020  -780
Dầu diesel 19.300  -1.200
Dầu hỏa 19.640 -1.250

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (25/3) vẫn tiếp đà giảm từ hôm qua. 

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h55' hôm nay (ngày 25/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 74,99 USD/thùng, giảm 0,92 USD, tương đương 1,21% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 là 69,26 USD/thùng, giảm 0,7 USD, tương đương 1% so với phiên liền trước.

Lúc 10h20' hôm qua (24/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 75,74 USD/thùng, giảm 0,17 USD, tương đương 0,22% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 là 69,77 USD/thùng, giảm 0,19 USD, tương đương 0,27% so với phiên liền trước.

Đến tối qua (24/3), giá của 2 loại dầu phổ biến nhất thế giới tiếp tục đi xuống.

Cụ thể, lúc 20h39' hôm qua (24/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 74,33 USD/thùng, giảm 1,58 USD, tương đương 2,08% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 68,44 USD/thùng, giảm 1,52 USD, tương đương 2,17% so với phiên liền trước.

Giá xăng dầu nối dài đà giảm (Ảnh: Reuters)

Giới chuyên gia cho rằng, giá dầu nối dài đà giảm trước những lo ngại về khả năng dư cung khi thị trường ghi nhận thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cao.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay, dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần trước đã tăng 1,1 triệu thùng, lên mức cao nhất trong 22 tháng. Còn theo Oilprice, dự trữ dầu thô của Mỹ ở mức 481,2 triệu thùng vào cuối tuần trước, cao hơn khoảng 8% so với mức trung bình của 5 năm lại đây.

Dầu đang bị bán tháo do lo ngại Mỹ sẽ không làm đầy kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) của nước này kể cả khi giá dầu WTI ở mức 67-72 USD/thùng. Vào tháng 10 năm ngoái, Nhà Trắng cho biết sẽ mua lại dầu cho kho SPR khi giá trong khoảng 67-72 USD/thùng.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm mới đây đã nói với các nghị sĩ rằng sẽ rất khó để tận dụng giá thấp trong năm nay nhằm bổ sung cho kho dự trữ của nước này, vốn đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1983.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cũng cho biết, phải mất tới vài năm mới có thể đổ đầy lại kho SPR của nước này.

Thêm vào đó, việc Bộ trưởng Năng lượng Mỹ thông tin về việc có kế hoạch giải phóng thêm 26 triệu thùng dầu cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng dư cung trên thị trường.

Giá dầu giảm còn do lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, không được như kỳ vọng khi mặt bằng lãi suất tiếp tục được các ngân hàng trung ương trên thế giới điều chỉnh tăng.

Bên cạnh đó, việc đồng USD mạnh hơn cũng là yếu tố khiến giá dầu thô đi xuống.

Ngoài ra, các thỏa thuận hợp tác năng lượng giữa Nga và Trung Quốc vừa đạt được, đặc biệt là trong việc triển khai các dự án đường ống khí đốt, cũng là yếu tố khiến giá dầu đi xuống.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu cũng bị kiềm chế phần nào bởi kỳ vọng Fed sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và triển vọng nhu cầu sử dụng dầu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Theo Ngân hàng Goldman Sachs, nhu cầu dầu của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, vượt mức 16 triệu thùng/ngày.