Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (22/3) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 21/3 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 780 đồng/lít, giá xuống mức 22.020 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 780 đồng/lít, giá bán là 23.030 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 1.200 đồng/lít, giá bán không cao hơn 19.300 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.250 đồng/lít, giá bán là 19.640 đồng/lít. 

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 21/3 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 23.030 -780
Xăng E5 RON 92-II 22.020  -780
Dầu diesel 19.300  -1.200
Dầu hỏa 19.640  -1.250

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (22/3) có xu hướng phục hồi sau chuỗi ngày lao dốc.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h57' ngày 22/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 74,71 USD/thùng, giảm 0,61 USD, tương đương 0,81% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 69,33 USD/thùng, tăng 1,69 USD, tương đương 2,5% so với phiên liền trước.

Giá xăng dầu hôm qua (21/3) trên thị trường thế giới giảm nhẹ vào buổi sáng nhưng đến tối lại quay đầu đi lên.

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h50' ngày 21/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 73,07 USD/thùng, giảm 0,72 USD, tương đương 0,98% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 67,1 USD/thùng, giảm 0,54 USD, tương đương 0,8% so với phiên liền trước.

Tuy nhiên, đến tối qua, giá dầu có xu hướng phục hồi. Giá dầu Brent vượt mốc 75 USD/thùng còn giá dầu WTI lên mức 69 USD/thùng. 

Giá xăng dầu đảo chiều đi lên (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, lúc 20h57' hôm qua (21/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 75,17 USD/thùng, tăng 1,38 USD, tương đương 1,87% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 69,1 USD/thùng, tăng 1,46 USD, tương đương 2,16% so với phiên liền trước.

Theo giới phân tích, giá dầu quay đầu đi lên trong bối cảnh những lo ngại về sự lan rộng của cuộc khủng hoảng ngân hàng giảm bớt, dòng tiền có thể tiếp tục được phân bổ về các thị trường đầu tư rủi ro, trong đó có dầu mỏ.

Trong phiên hôm qua, đà giảm của giá dầu có tín hiệu chững lại khi mà thỏa thuận sáp nhập giữa hai ngân hàng UBS và Credit Suisse dần hoàn tất.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đi lên cũng hỗ trợ giá dầu thoát khỏi mức thấp nhất trong 15 tháng.

Ngoài ra, nhiều nhận định về việc các ngân hàng trung ương sẽ sớm chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất nhằm tránh tạo thêm áp lực cho nền kinh tế cũng là yếu tố thúc đẩy giá dầu đi lên. Nhiều ý kiến cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào ngày 22/3 để đảm bảo những rắc rối trong lĩnh vực ngân hàng không xảy ra.

Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi đồng USD mất giá mạnh nhờ kỳ vọng Fed sẽ sớm chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất.

Tuần trước, giá dầu thô giảm mạnh khi những lo ngại về những bất ổn trên thị trường tài chính, ngân hàng gia tăng, tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ các tài sản mang tính an toàn cao như vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Tính chung trong tuần trước, giá dầu Brent đã giảm gần 12%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12/2022, giá dầu WTI cũng giảm 13% và là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2022.

Trước những lo ngại về suy thoái kinh tế, mới đây, Goman Sachs đã cắt giảm dự báo đối với giá dầu Brent tiêu chuẩn trong năm nay từ mức 100 USD/thùng theo dự báo lần trước xuống mức trung bình 94 USD/thùng.