Lo khách nội địa tiếp tục sụt giảm
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, đó là do khách quốc tế tăng, đạt khoảng 72.000 lượt, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023; khách nội đạt khoảng 264.000 lượt, giảm khoảng 22.000 lượt.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng bày tỏ lo ngại về việc giá vé máy bay trong nước tăng cao. Bước vào mùa hè - mùa cao điểm du lịch - nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ khiến khách du lịch nội địa đến Đà Nẵng sụt giảm.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhận xét, trước đây lượng khách đến danh thắng chủ yếu là khách nội địa, nay bất ngờ hơn 70% là khách nước ngoài. 5 ngày lễ vừa qua, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 27.000 lượt khách, giảm hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hiền cho rằng, có nhiều yếu tố khiến lượng khách nội địa đến Đà Nẵng giảm. Trong đó, giá vé máy bay đắt đỏ là nguyên nhân chính. Thời tiết nắng nóng khiến mọi người hạn chế các hoạt động vui chơi, tham quan ban ngày. Ngoài ra, kỳ nghỉ năm nay cũng rơi và dịp học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi nên nhiều gia đình lùi thời gian, kế hoạch đi chơi.
Ông Hiền lo lắng, nếu tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao kéo dài sẽ ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến Đà Nẵng nói chung và danh thắng nói riêng.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Xoang, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Hải Vân Cát, cho biết, lượng khách nội địa đặt tour đến Đà Nẵng của công ty giảm khoảng 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khách hàng "quay xe" chọn các điểm đến khác, chẳng hạn như đi nước ngoài do có giá rẻ.
“Chi phí vé máy bay quá cao khiến lượng khách đoàn của các đơn vị lữ hành giảm nhiều. Có thời điểm, giá vé máy bay Hà Nội đi Đà Nẵng lên tới 8 triệu thì ai đi nổi?
Việc khai thác bằng các phương tiện khác như ô tô, tàu hoả cũng gặp hạn chế vì thời gian đi du lịch không còn nhiều. Ví dụ kỳ nghỉ 5 ngày, nếu đi tàu đã mất 2 ngày, không có nhiều thời gian vui chơi. Trong khi tour nước ngoài hiện có giá rất rẻ, như tour đi Thái Lan chỉ khoảng 7 triệu đồng. Vì thế, lượng khách đặt tour đến Đà Nẵng giảm nhưng tour đi nước ngoài tăng 15-20%”, ông Xoang nói.
Trao đổi với PV, nhiều chủ khách sạn ở Đà Nẵng cũng than thở về tình trạng vắng khách nội địa so với cùng kỳ, tỷ lệ lấp đầy phòng dịp nghỉ lễ chỉ đạt 50-60%, trong đó chủ yếu là khách quốc tế.
Cầu không tăng giá vé máy bay sẽ giảm?
Trước những lo lắng của doanh nghiệp về ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm, giá vé máy bay tăng cao, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thông tin, Đà Nẵng đã làm việc với các hãng hàng không về việc tăng tải, tăng tần suất.
“Bây giờ chỉ còn dựa trên nhu cầu thị trường. Giá theo quy luật cung cầu nên thị trường sẽ điều tiết. Khách du lịch trong nước sẽ tìm được vé máy bay với mức giá hợp lý nếu lên kế hoạch sớm, đặt qua các công ty lữ hành. Giá vé máy bay không thể cứ cao mãi, nếu nhu cầu không tăng thì dứt khoát giá vé sẽ được điều chỉnh”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý các công ty kinh doanh du lịch cần chủ động, phối hợp với các đơn vị lữ hành, hãng hàng không trong việc đa dạng hoá kênh bán, đặc biệt là khách ở những thị trường gần, đi bằng tàu, xe, phương tiện xe cá nhân.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho rằng, khách nội địa giảm song cũng không thể đổ lỗi hết cho giá vé máy bay vì còn nhiều yếu tố khác, như tình hình kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, trước những tác động từ giá vé máy bay tăng cao đến du lịch nội địa, bà An cho biết Đà Nẵng đã có phương án, giải pháp. Cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hoá các phương tiện vận chuyển khác thay thế; kết hợp với đường sắt để có sản phẩm du lịch mới, tăng trải nghiệm cho du khách. Dịp lễ 30/4 vừa qua, lượng du khách đi tàu hỏa tăng hơn 60% so với năm ngoái.
Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều đường bay quốc tế mới. Một số hãng hàng không sẽ tăng chuyến từ các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Singapore,... đến Đà Nẵng.
Bà An cho rằng, các khách sạn 2-3 sao sẽ gặp nhiều khó khăn khi khách nội địa giảm, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận khách quốc tế.
“Các khách sạn cần chủ động, linh hoạt thích ứng trong điều kiện, bối cảnh thị trường. Có thể đưa ra các chương trình thu hút khách tại chỗ, khách đường bộ; thu hút thêm lượng khách quốc tế để bù đắp sự thiếu hụt từ khách nội địa. Nhiều giải pháp mà điểm đến đang thực hiện nhưng cần sự chung tay của doanh nghiệp để tạo sức hút chung”, bà An cho hay.