Cơ hội và rào cản trong mắt nhà đầu tư nước ngoài
20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Stuart Livesey, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), hiểu khá rõ góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài về cơ hội cũng như rào cản thị trường năng lượng sạch tại Việt Nam.
Việt Nam có tài nguyên năng lượng tái tạo rất dồi dào, phù hợp phát triển điện gió, mặt trời… Nhu cầu năng lượng tái tạo, năng lượng sạch không chỉ đến từ doanh nghiệp mà cả từ Chính phủ (lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050).
“Việt Nam được xem là quốc gia có tiềm năng xuất khẩu năng lượng tái tạo và cả xuất khẩu cơ sở hạ tầng cho các nước trong khu vực để họ có thể sản xuất năng lượng tái tạo. Thị trường năng lượng sạch tại Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh những nhà đầu tư đã triển khai dự án hay có kế hoạch phát triển dự án thời gian qua, thì sắp tới sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư mới bước vào thị trường này.
Là một nhà đầu tư nước ngoài, cá nhân tôi thấy Việt Nam là đất nước rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Đặc biệt, về chuỗi cung ứng. Tôi đang làm 1 dự án điện gió ngoài khơi, sử dụng toàn bộ chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Tôi rất muốn những dự án tương tự được nhân rộng tại Việt Nam”, ông Stuart Livesey chia sẻ.
Đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh cũng nhìn nhận, hiện vẫn còn một số thách thức khi đầu tư kinh doanh năng lượng sạch tại thị trường Việt.
Đơn cử, công suất năng lượng tái tạo tại Việt Nam không đều, đôi khi vượt khả năng có thể xử lý được. Hoặc sự thiếu kết nối giữa các hệ thống lưới điện sẽ làm giảm sự phát triển của dự án năng lượng tái tạo.
“Thách thức về lưới điện rất lớn. Nhà đầu tư nước ngoài dành rất nhiều nguồn lực tài chính đầu tư vào dự án, nhưng có khả năng không được huy động công suất bất cứ lúc nào, tạo sự bất ổn cho các dự án. Vì vậy, những chính sách dự trữ năng lượng rất quan trọng”, ông Stuart Livesey phân tích.
Một thách thức khác, cơ chế, chính sách cho đầu tư năng lượng tái tạo còn rất nhiều thay đổi.
“Việt Nam cần đảm bảo chính sách ổn định để khi nhà đầu tư có dự án quy mô lớn hơn thì tin chắc chính sách sẽ không thay đổi. Những chiến lược, cam kết ngắn hạn phải minh bạch. Những chiến lược ngắn hạn có thể thúc đẩy phát triển dài hạn tại Việt Nam”, ông khuyến nghị.
Cũng theo Đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh của EuroCham, cần phải cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy rõ lợi ích khi bước vào thị trường năng lượng sạch Việt Nam. Một trong những sự hỗ trợ Chính phủ nên cung cấp cho các nhà đầu tư để có thể chuyển dịch năng lượng xanh là lộ trình tiếp cận thị trường phải rõ ràng, các nhà đầu tư có thể hiện thực hóa các dự án năng lượng của họ.
Lẫy dẫn chứng về những băn khoăn khi các dự án điện mặt trời mái nhà dư thừa phát lên lưới không được thanh toán tiền, ông Stuart Livesey đề xuất: “Việt Nam cần phải có cơ chế bao tiêu phù hợp, giúp nhà đầu tư có thể sinh ra lợi nhuận. Chẳng hạn, Chính phủ phải đảm bảo có giá mua điện tái tạo phù hợp để thu hút nhà đầu tư. Tất nhiên, giá mua điện phải cân bằng, Việt Nam không phải gồng mình lên để mua lại nguồn năng lượng tái tạo đó”.
Kinh nghiệm hay cho Việt Nam
“Trên hành trình chuyển dịch năng lượng xanh, chúng ta đều đang phải học nhiều, chưa ai biết tất cả mọi thứ. Tôi nói chuyện với nhiều cơ quan nhà nước thì thấy họ đang khá khó khăn trong việc đưa ra những khung pháp lý, quy chế. Những nhà đầu tư năng lượng tái tạo từ nước ngoài đến Việt Nam có thể giúp Chính phủ tham khảo chính sách từ những thị trường khác. Chúng tôi cũng có thể chia sẻ những bài học kinh nghiệm thành công hoặc không thành công ở những thị trường khác để Việt Nam có thể học hỏi”, ông Stuart Livesey bày tỏ.
Trường hợp điển hình được ông viện dẫn là hoạt động đầu tư điện gió tại Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2020, Chính sách năng lượng gió ngoài khơi (OWE) của Đài Loan được ban hành. Sau giai đoạn 1 - thử nghiệm triển khai OWE (Chính phủ tài trợ cho dự án sử dụng công nghệ để tận dụng năng lượng điện gió), Đài Loan đã chuyển sang giai đoạn 2, gồm 2 pha nhỏ hơn: Pha 1 có sự hỗ trợ của nhà nước. Chính phủ tuyên bố nếu hoàn thành dự án điện gió trước năm 2024 thì giá mua điện sẽ khác với dự án hoàn thành vào năm 2026. Việc áp dụng 2 giá điện như vậy tạo áp lực tiến độ lên nhà đầu tư. Còn pha 2 là đấu giá, các dự án phải cạnh tranh lành mạnh với nhau.
Dự kiến tới năm 2025, tại Đài Loan sẽ có nhiều trang trại gió ngoài khơi ra đời, giúp cải thiện an ninh năng lượng và giảm khí nhà kính.
Mô hình nêu trên có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ điện gió. Việt Nam hoàn toàn có thể bỏ giai đoạn thử nghiệm công nghệ vì hiện có nhiều công nghệ đã sẵn sàng rồi, có thể vào ngay giai đoạn 2.
“Có một điều Đài Loan không làm tốt trong dự án điện gió của họ. Đó là họ yêu cầu chuỗi cung ứng phải là chuỗi cung ứng của địa phương, tối thiểu 50% số tiền vốn đầu tư phải đổ vào các công ty Đài Loan. Mới nghe thì thấy đây là đề xuất khôn ngoan của Đài Loan. Tuy nhiên, phải đặt câu hỏi, liệu Đài Loan đã có khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng phù hợp, đúng thời gian cho các dự án hay không. Tất nhiên, với những dự án đầu tiên thì họ không thể đáp ứng nhu cầu đó. Vì vậy, một vài dự án bị trì hoãn, vài hợp đồng bị hủy”, ông Stuart Livesey lưu ý.
Một kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam, đó là cần có sự tham dự của chính phủ/chính quyền. Đài Loan làm rất tốt chuyện này khi quy định các bộ trưởng quản lý ngành liên quan phải cùng tham gia tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh.
Nhiều công nghệ, kỹ thuật mới sẽ được giới thiệu tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Những dự án mới, công nghệ mới khi triển khai sẽ có chi phí cao hơn. Đối với dự án điện gió, nếu có hỗ trợ của chính phủ giai đoạn đầu thì giai đoạn sau sẽ tiết kiệm được nhiều tài chính hơn.
“Công nghệ sẽ thay đổi. Chuỗi cung ứng cũng sẽ thay đổi. Vì vậy, chính sách, quy định phải có sự linh hoạt. Lợi thế cho Việt Nam là có nhiều bài học từ các thị trường đã đi trước, chỉ cần học hỏi và áp dụng thôi”, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh của EuroCham nhấn mạnh.