Theo giấy chứng minh nhân dân thì năm nay già làng Điểu Đố tròn 101 tuổi và tháng 7-2020, ông được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng thiếp mừng thọ 100 tuổi.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương thì tuổi thật của ông khoảng 95. Nhưng chuyện đó không là vấn đề, quan trọng là ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng dáng hình ông vẫn vạm vỡ, rắn chắc, tinh thần minh mẫn, bước chân thoăn thoắt, tiếng cười sang sảng.

Miệt mài lao động, sản xuất nên trong nhà ông lúc nào cũng dành 2 kho chất đầy lúa. Với ông, lúa gạo là lương thực nuôi sống cả gia đình hàng chục năm qua nên không thể để thiếu dù 1 ngày.

Đặc biệt, đối với già làng Điểu Đố các cổ vật của dân tộc, của tổ tiên vẫn trường tồn với thời gian. Sáng lên rẫy, chiều về nhà nhưng già làng vẫn đi chân trần, khoác lên vai một cây xà gạc, đôi khi là một cây lao hay một cái nỏ. Và trong trang phục truyền thống nhìn già làng như một dũng sĩ của núi rừng. Chỉ cần như vậy đủ để thấy, già Điểu Đố là người yêu và luôn bảo vệ, lưu giữ các giá trị truyền thống của người S’tiêng. 

Già làng Điểu Đố là 1 trong gần 200 già làng người DTTS của tỉnh Bình Phước.

Theo thống kê mới nhất, Bình Phước có hơn 199.000 người DTTS, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Trong đó, người có uy tín có 364 người và 94 già làng tiêu biểu. Thành phần người có uy tín, già làng ở Bình Phước đa dạng như: cán bộ hưu trí; cán bộ thôn, ấp; chức sắc, chức việc các tôn giáo; người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi…

Trong những năm qua, người có uy tín, già làng tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã phát huy có hiệu quả vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung và thực hiện chính sách dân tộc nói riêng; Tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn, củng cố quốc phòng – an ninh và vận động đồng bào thực hiện, được sự hưởng ứng tích cực của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nổi bật  qua các hoạt động xã hội hóa như: hiến đất làm đường, làm trường học, nhà văn hóa, đóng góp kéo điện về thôn, vận động đồng bào đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới… cũng có những đóng góp rất lớn của người có uy tín, già làng tiêu biểu.

Bên cạnh đó, người có uy tín, già làng tiêu biểu đã vận động nhân dân khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đăng ký thi đua thực hiện gia đình văn hóa, xoá bỏ hủ tục, đẩy lùi tệ nạn như: tập tục đâm trâu trả của tốn kém, lãng phí; các hoạt động cúng bái mê tín dị đoan khi gia đình có người ốm đau; hủ tục trong tang ma, cưới hỏi, sinh đẻ...; Khôi phục Lễ hội phá bàu, Lễ mừng lúa mới, khôi phục phát triển nghề dệt thổ cẩm, các món ăn đặc trưng dân tộc, các làn điệu dân ca, cồng chiêng, thành lập các đội văn nghệ dân tộc thiểu số…

Ảnh minh họa

Đặc biệt trong những năm gần đây, người có uy tín, già làng tiêu biểu còn tăng cường tuyên truyền vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số không bán điều non, cầm cố đất, sang nhượng quyền sử dụng đất - là một vấn đề “nóng” trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ ổn định xã hội, giúp nhiều hộ còn đất để canh tác, ổn định và phát triển kinh tế gia đình.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện chính sách đối với người có uy tín, già làng tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022, các đại biểu được nghe 3 báo cáo tham luận của 3 đại biểu là người có uy tín, già làng đến từ các huyện: Hớn Quản, Phú Riềng và huyện Lộc Ninh, với nội dung tham luận liên quan đến: Vai trò của người có uy tín trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương; Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Những câu chuyện của các già làng đã giúp đại biểu hiểu thêm về vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và công tác phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương…

 Trân trọng, biểu dương vả cảm ơn những đóng góp của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh mong muốn trong thời gian tới, các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục là cầu nối giữa cá nhân và nhân dân và đồng bào tại địa phương, cùng nắm bắt tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của đồng bào mình, từ đó nêu gương, định hướng, động viên họ nỗ lực vươn lên, đồng thời, tuyên truyền để đồng bào chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở đó, sẽ có hướng dẫn, động viên cho bà con các giải pháp để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cũng như tìm kiếm việc làm phù hợp; phát huy tấm gương đi đầu trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới; xóa bỏ hủ tục, xây dưng nếp sống văn hóa…

Người có uy tín, già làng cần tiếp tục tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng hành với địa phương trong xây dựng Đảng, chính quyền và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phước Long