Gia Lai là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh.

Thời gian qua, tại các địa phương có nhiều dân tộc cư trú như Ba Na, JRai, Mường, Tày, Dao…, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước khan hiếm đã được cấp ủy, chính quyền huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai thường xuyên quan tâm tới hoạt động đào tạo nghề nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đáng chú ý là cuối tháng 6/2023, 30 học viên ở làng Hrach, xã Đak Kơ Ning tham gia lớp trồng lúa năng suất cao. Sau khi tham gia lớp học, các học viên được trang bị kiến thức, kỹ thuật trồng lúa nước từ khâu chọn giống, cách ủ giống, cấy, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản.

capture.jpg
Lao động dân tộc thiểu số tại các huyện, xã có điều kiện kinh tế khó khăn được ưu tiên đào tạo nghề. 

Từ đầu năm đến nay, xã Kông Yang đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở 3 lớp tập huấn trồng, chăm sóc khoai lang, sắn cho đồng bào dân tộc địa phương. Sau khi hoàn thành khóa học, bà con đã áp dụng thành công vào quá trình sản xuất, đem lại nguồn thu nhập cao. Người dân nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc đã biết cách thức canh tác mới giúp thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, từng bước đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới. 

Phát huy kết quả đạt được, xã Kông Yang đang xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho người dân trong những năm tới.

Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kông Chro cho biết, dựa vào kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn của các thôn bản và xã, huyện đã ký hợp đồng với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 12 lớp (mỗi lớp 30 - 35 học viên) dạy kỹ năng trồng trọt, chăm sóc một số loại cây trồng như ngô, khoai lang, sắn, lúa nước và phòng bệnh đàn trâu bò dành cho 360 học viên tại các xã: Yang Trung, Ya Ma, Kông Yang và Đak Kơ Ning.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, huyện Kông Chro sẽ tiếp tục mở 19 lớp đào tạo nghề nông nghiệp chăm sóc cây trồng, vật nuôi và 14 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như sửa chữa máy cắt cỏ cầm tay, máy phun thuốc trừ sâu; cắt may cơ bản; dệt thổ cẩm; trình diễn cồng chiêng cho gần 1.900 học viên ở các xã Đak Tơ Pang, Ya Ma, Sró, Chơ Long.

Khánh Vy