Năm 2023, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương, với tổng số nguồn vốn gần 12 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để phát triển cơ sở vật chất y tế ở các xã, huyện khó khăn nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 

Ngoài ra, kinh phí này còn để đào tạo nguồn nhân lực y tế cơ sở như các trạm y tế, chi phí hỗ trợ cô đỡ thôn bản, tiêm chủng ngoại trạm y tế.

Gia Lai cũng chú trọng tới phát triển chất lượng dân số thông qua chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời.

Trong đó, các vấn đề về khám thai cho phụ nữ mang thai, tư vấn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, sinh con an toàn; trẻ được tư vấn và chăm sóc về dinh dưỡng, tiêm chủng.

Các biện pháp được triển khai đồng bộ, đặc biệt là vấn đề tập huấn cho nhân viên y tế tuyến cơ sở về vai trò chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong giai đoạn mới, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, truyền thông thay đổi hành vi ở người dân tộc thiểu số.

Một buổi tư vấn sức khỏe cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: PV. 

Tỉnh Gia Lai cũng phấn đấu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trong nhân dân. Mục tiêu từ nay tới cuối năm sẽ có khoảng 77% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT, 84,8% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc được sự trợ giúp của cán bộ y tế...

Trong năm nay, Gia Lai cũng phối hợp với tổ chức UNFPA và MSD for Mothers triển khai dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau" với nội dung can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Chương trình được triển khai tại 14 xã, thuộc 4 huyện tại tỉnh Gia Lai gồm Mang Yang, Chư Păh, Chư Sê và Kông Chro.

Dự án nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.