Hiện nay Gia Lai vẫn còn 22% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ cân, 29,9% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Tỷ lệ này đã giảm so với giai đoạn 2016 – 2017 nhưng so với tỷ lệ của toàn quốc thì đây vẫn là tỷ lệ cao.

Từ đầu năm 2023, Gia Lai tập trung nhiều giải pháp, triển khai thực hiện nhiều dự án trong mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó có Dự án 7 chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. 

dan so ke hoach.png
Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao tầm vóc người dân tộc thiểu số. Ảnh: PV. 

Ngành y tế tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến và vận động người dân thuộc vùng dân tộc thiểu số đẩy mạnh công tác chăm sóc dinh dưỡng thông qua can thiệp trực tiếp từ khi bà mẹ mang thai, nuôi con trong 1.000 ngày đầu đời. Trong đó, bà mẹ mang thai được chăm sóc từ dinh dưỡng, tiêm phòng và hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ, bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sức phát triển của trẻ.

Đối với trẻ từ 5 - 16 tuổi, Dự án 7 tập trung hỗ trợ trẻ thông qua bữa ăn học đường, quản lý sức khỏe, cân đo trẻ tại trường học vào đầu năm và cuối năm. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao nhận thức và hành vi của các đối tượng thông qua việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tư vấn.

Ngoài ra, năm nay, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam phối hợp với tỉnh Gia Lai triển khai xây dựng Câu lạc bộ Chế biến thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho trẻ dựa vào cộng đồng với mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để xây dựng thí điểm Câu lạc bộ tại xã Ayun (huyện Mang Yang) và xã Chư Gu (huyện Krông Pa). Mục tiêu đến năm 2026, hoàn thành xây dựng Câu lạc bộ Dinh dưỡng tại 9 xã dự án và với các nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia, có thể mở rộng đến 42 xã đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2022-2026.