Andrew Tiu là bác sĩ nội trú khoa Nội và Ashley Chorath là bác sĩ nội trú khoa X-quang. Trong đại dịch Covid-19, cả hai đều tham gia tuyến đầu. Họ phải làm việc nhiều giờ để phát triển sự nghiệp, đồng thời vật lộn trả khoản nợ vay sinh viên với mức lương tương đối thấp ở Mỹ. 

Bác sĩ Mỹ kiếm được bao nhiêu khi mới ra trường? 

Bác sĩ Chorath chia sẻ một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất về việc trở thành bác sĩ là bạn kiếm được mức lương cao ngay khi ra trường. Nhưng đó không phải chuyện xảy ra với hầu hết sinh viên tốt nghiệp trường y. Theo trang việc làm Glassdoor, họ kiếm được trung bình khoảng 62.000 USD một năm. 

Bác sĩ Andrew Tiu (trái) và Ashley Chorath. Ảnh: CNBC

Khi gia đình đi ăn tối, mọi người thường nói đùa rằng Chorath nên trả tiền vì cô là bác sĩ. "Cả nhà có biết lương thực của con là bao nhiêu không?", cô nói.

Chi phí để trở thành bác sĩ cũng không hề ít. Bạn dành 4 năm ở trường y, sau đó là khoảng 3-7 năm với tư cách là bác sĩ nội trú, được đào tạo dưới sự giám sát của các bác sĩ điều trị, với mức lương tương đối thấp. Sẽ mất nhiều thời gian hơn nếu bạn tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh, đây là giai đoạn đào tạo một chuyên ngành cụ thể.

Chorath giải thích: “Bạn không kiếm được mức lương sáu con số cho tới khi đi làm được 7 năm”.

Sau khi tốt nghiệp trường y, các bác sĩ nhận mức lương 50.000-60.000 USD mỗi năm trong khi còn nợ 200.000-400.000 USD. Họ phải làm việc 50-60 tiếng mỗi tuần. 

Mặc dù Chorath nhận thức được sự hy sinh để theo đuổi nghề bác sĩ, nhưng "khi đang ở trong tình trạng khó khăn nhất, bạn sẽ mệt mỏi hơn rất nhiều khi nhìn thấy những người bạn học cấp ba và đại học lái những chiếc BMW và mua nhà khi bạn kiếm được 55.000 USD/năm, làm việc 70 giờ một tuần và có khoản nợ 300.000 USD”. 

Nhưng Chorath và Tiu thấy cái giá phải trả để trở thành bác sĩ là xứng đáng. 

Tiu lớn lên ở Philippines, bố của anh lái xe cứu thương miễn phí, đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất cách đó hai giờ, điều này đã thôi thúc anh trở thành y tá. Sau khi nhận ra bác sĩ còn có thể làm được nhiều điều hơn nữa, anh quyết định quay lại trường học để trở thành bác sĩ.

Theo CNBC, cha mẹ của Chorath di cư từ Ấn Độ đến Mỹ năm 1986. Cô thấm nhuần tầm quan trọng của sự chăm chỉ. Cha của Chorath là nhà vật lý trị liệu và mẹ cô là dược sĩ. Tương tự như Tiu, cô chọn trở thành bác sĩ để giúp đỡ mọi người.

"Một trong những điều tuyệt vời nhất khi làm việc trong ngành y là mục tiêu của bạn luôn vì con người. Bạn ở đó để điều trị cho bệnh nhân và giúp mọi người khỏe hơn. Bạn không ở đó chỉ để kiếm nhiều tiền hay danh tiếng”, Chorath tâm sự. 

“Cảm giác tuyệt vời nhất là khi một bệnh nhân nói lời cảm ơn”, Tiu nói thêm.

Bác sĩ Tiu luôn tìm mua hàng giảm giá khi đi siêu thị. Ảnh: CNBC

Chi phí để trở thành bác sĩ

Mặc dù việc vay mượn là cần thiết để Chorath theo học trường y nhưng cô thấy mệt mỏi với khoản nợ đè nặng trên vai. "Tôi cảm thấy như mình ở dưới đáy hố và đang cố gắng tìm đường ra", cô nói. Ở trường y, cô đã làm bốn công việc nhằm trang trải chi phí để không phải vay tư nhân nhiều hơn. 

Cũng giống như Chorath, sinh viên tốt nghiệp trường y năm 2019 ở Mỹ nợ khoảng 200.000 USD, theo dữ liệu từ Hiệp hội Các trường Y Mỹ. Sẽ còn rất lâu nữa, cô mới trả hết nợ. 

Tiu theo học trường y ở Philippines và giành được học bổng toàn phần vì đứng đầu lớp, vì vậy anh không có bất kỳ khoản nợ vay sinh viên nào. Kiếm được học bổng rất quan trọng đối với Tiu. Khi cha qua đời vào năm 2009, anh trai của Tiu là người lo cho gia đình và dự định trang trải chi phí cho Tiu học trường y. 

Tiu giải thích đó là truyền thống ở Philippines. Các thành viên trong gia đình luôn hỗ trợ nhau. Tiu rất biết ơn sự giúp đỡ của anh trai nhưng không muốn trở thành gánh nặng của người khác.