Tại hội nghị "Nâng cao hiệu quả sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi Bảo hiểm y tế", Thạc sĩ Vũ Nữ Anh - Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, cho biết hiện Bộ đã đưa ra dự thảo về Thông tư thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trong trường hợp cơ sở y tế không cung cấp được thuốc, vật tư cho người dân.
Từ trước tới nay, người dân khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú nhận thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều trường hợp được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư nhưng cơ sở y tế không có sẵn. Người bệnh phải bỏ tiền túi ra mua.
Trong dự thảo thông tư lần này, cơ sở y tế không cung cấp được thuốc, vật tư cho bệnh nhân để người bệnh tự mua thì BHYT sẽ trả lại tiền. Điều kiện, người bệnh hoặc người nhà mang đơn đó đi mua thuốc, vật tư y tế tại nhà thuốc của viện khác (có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT) hoặc đơn vị cung ứng đáp ứng trúng thầu với cơ sở khám chữa bệnh BHYT, hợp đồng thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế còn hiệu lực.
Để được thanh toán, người bệnh hoặc thân nhân xuất trình với cơ quan bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư y tế đã được bác sĩ chỉ định cùng hóa đơn mua thuốc, vật tư y tế. Người bệnh nhận được thanh toán của BHYT khi nộp đủ hồ sơ cho cơ quan BHYT trong vòng 40 ngày.
Theo Thạc sĩ Nữ Anh, thông tư này được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Y tế để lấy thêm ý kiến từ các chuyên gia và cộng đồng.
Để tránh việc lạm dụng quy định thanh toán trực tiếp và các cơ sở khám chữa bệnh phải chủ động đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế cho người bệnh, Bộ Y tế cũng cũng có các quy định chặt chẽ với các cơ sở này.
Chia sẻ thêm tại hội nghị, Giáo sư Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiều quốc gia đánh giá công nghệ y tế là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi BHYT.
Hội nghị được tổ chức nhằm phát triển năng lực đánh giá công nghệ y tế tại Việt Nam và tăng cường ứng dụng vào việc xây dựng chính sách y tế, đặc biệt là chính sách BHYT.
Ứng dụng công nghệ thông tin giúp người bệnh trong việc xem xét chi phí và cơ quan chức năng có thể tính toán, cân đối ngân sách, đảm bảo hiệu quả trong ngưỡng chi trả cho người bệnh.