Mỗi địa phương phải có điểm nhấn riêng

Tại Hội thảo “Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp”, diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022 chiều 9/12, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, cho hay, du lịch biển Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những hạn chế hiện nay đối với du lịch biển, như các nhà đầu tư chú trọng lợi nhuận ngắn hạn, sức ép tài chính và thu hồi vốn đầu tư; hạn chế về môi trường và nguồn lực đầu tư cho môi trường; thiếu sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch; phân vùng chưa hợp lý ở nhiều quy mô, cấp độ...

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Các tỉnh cần xây dựng sản phẩm có tính đặc thù riêng.

TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, để du lịch biển phát huy hiệu quả, cần tổ chức không gian phân vùng để sử dụng phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch.

Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau, góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở du lịch Quảng Ninh - cho hay, trong phát triển du lịch biển, cần quan tâm đặc biệt là bảo vệ môi trường. Nếu không, chắc chắn sẽ phải trả giá.

Ông Thủy nhấn mạnh, mỗi địa phương có biển đều có một thế mạnh. Bài toán đặt ra là các tỉnh cần xây dựng sản phẩm có tính đặc thù riêng.

“Nếu không có nét đặc thù và tạo điểm nhấn lâu dài thì không thể khai thác tốt. Quảng Ninh, ngoài những loại hình đang có và thịnh hành là du lịch biển nghỉ dưỡng, tắm biển, chúng tôi còn có cảnh quan, không gian trên bờ phụ trợ. Hiện chúng tôi có 175 tàu du lịch nghỉ đêm,... và đang nghiên cứu để có những điểm nhấn riêng trong phát triển du lịch biển”, ông Thủy nói.

Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng, đề xuất thời gian tới cần có chiến lược tổng thể quốc gia trong phát triển du lịch biển Việt Nam; đầu tư hạ tầng; khung pháp lý cho việc phát triển du lịch biển,...

Chú trọng du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển” và “phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển”, trong đó du lịch và dịch vụ biển được ưu tiên hàng đầu.

Ông Vũ Thế Bình nhận xét du lịch biển đảo Việt Nam vẫn chỉ là những mảnh ghép rời rạc

Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển. Cụ thể như việc phát huy lợi thế, tiềm năng và phát huy đầy đủ; việc thực hiện chủ trương phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Du lịch biển đảo Việt Nam hiện vẫn chỉ là những mảnh ghép rời rạc; hạ tầng còn nhiều lạc hậu, thiếu cảng biển du lịch.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho hay, các hoạt động du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch Việt Nam thời gian qua.

Giai đoạn 2010-2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa. Chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước. 

Định hướng trong thời gian tới, du lịch biển đảo Việt Nam sẽ chú trọng việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.