Theo giới chức địa phương, họ đã tự ý lấy chiếc thuyền truyền thống gondola của một người dân địa phương ở nhà ga Accademia, bên cạnh cây cầu nổi tiếng cùng tên, để đi dọc theo Grand Canal vào khoảng 1 giờ 30 phút sáng 20/10.
Chủ nhân của chiếc thuyền gondola, Giorgio Bognolo, cho biết đồ đạc trên thuyền như vỏ bọc, đệm, đồ trang trí và các vật dụng khác trị giá vài trăm USD - đã bị ném xuống kênh, trước khi bị lấy đi.
Người dân địa phương đã phát hiện ra sự bất thường khi thấy chiếc thuyền gondola ngoằn ngoèo qua lại trên con kênh và ngay lập tức gọi điện trình báo với cảnh sát. Ông Bognolo chỉ biết được sự tình sau khi được cảnh sát gọi điện thông báo lúc 3 giờ 10 phút sáng.
Dù có khả năng phải đối mặt với các cáo buộc hình sự vì tội trộm cắp cũng như một án dân sự nếu chủ nhân chiếc thuyền đòi bồi thường thiệt hại nhưng hai nam du khách khoảng 30 tuổi này vẫn tỏ thái độ vô cùng hả hê và thách thức.
"Họ có vẻ rất tự mãn và không hề hối lỗi. Tôi cũng không nhận được bất kỳ lời xin lỗi nào. Điều này khiến tôi vô cùng phẫn nộ và tổn thương khi họ coi đó chỉ là một trò đùa", chủ nhân chiếc thuyền chia sẻ.
Những chiếc thuyền truyền thống gondola có giá không hề rẻ. Bognolo cho biết chiếc tàu khảm và chạm khắc bằng tay của mình có giá lên tới 60.000 euro (59.000 USD) và ông cũng phải chi 3.000 euro mỗi năm để sơn sửa lại.
Luật sư của Bognolo, Augusto Palese, nói với CNN rằng thân chủ của ông đang theo đuổi khoản tiền bồi thường thiệt hại cho các đồ bị vứt ra khỏi thuyền, cộng với các vết trầy xước và hư hại, tổng trị giá khoảng 10.000 - 15.000 euro (9.900 - 14.750 USD). Các khoản thiệt hại khác cũng sẽ được liệt kê thêm trong quá trình sửa chữa cùng "thiệt hại về mặt tinh thần".
Đơn kiện dân sự dự kiến sẽ được hoàn thành và chỉnh lý trong khoảng một tháng, bên cạnh việc xét xử án hình sự thì toàn bộ quá trình có thể mất đến sáu tháng.
Ông Palese cũng nhấn mạnh việc xét xử nghiêm vụ việc lần này không chỉ để đòi tiền cho thân chủ mà đó còn là lời cảnh báo để các du khách nước ngoài không thể tiếp tục coi Italy như một công viên giải trí.
"Thuyền gondola cũng là một biểu tượng của đất nước chúng tôi. Việc phá hoại nó cũng giống như ném đá vào tháp Eiffel vậy", luật sư chia sẻ.
Sau sự việc một du khách người Séc để ngực trần tắm nắng trên đài tưởng niệm chiến tranh, những du khách Mỹ ngâm mình trong các kênh đào của Venice hay ba du khách có hành vi khiêu dâm ở bờ biển Amalfi thì gần đây nhất là việc một nữ du khách bị bắt gặp đang chụp ảnh khỏa thân trên bậc thềm của nhà thờ Amalfi. Nhiều người cho rằng Italy là một trong những nước đang phải đối mặt với những hậu quả của du lịch quá mức nặng nề nhất thế giới.
Đỗ An (Theo CNN)