Ông Guiliani, người được mệnh danh là "thị trưởng của nước Mỹ" vì đã lãnh đạo thành phố New York sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, đang phải đối mặt với số nợ khổng lồ bắt nguồn từ giai đoạn ông làm luật sư cho cựu Tổng thống Trump. Ông Guiliani hiện cũng bị truy tố hình sự ở bang Georgia vì những cáo buộc liên quan can thiệp bầu cử tổng thống năm 2020 tại bang này.

Trong hồ sơ nộp lên Tòa án Phá sản Mỹ ở New York hôm 21/12, ông Giuliani cho biết, bản thân có các khoản nợ từ 100 - 500 triệu USD, trong khi tài sản cá nhân chỉ từ 1 - 10 triệu USD.

Phát ngôn viên của ông Giuliani tiết lộ, việc nộp đơn xin phá sản sẽ cho phép cựu luật sư của ông Trump có thời gian để kháng cáo án phạt 148 triệu USD và đảm bảo rằng các chủ nợ khác được đối xử công bằng.

Theo các chuyên gia pháp lý, thủ tục phá sản ở Mỹ có thể cho phép các cá nhân và công ty xóa sạch hoặc tái tổ chức các khoản nợ của họ. Động thái mới của ông Giuliani sẽ tạm dừng tất cả các vụ kiện dân sự nhằm vào ông, đang chờ được xử lý.

Tuy nhiên, việc đó dường như vẫn không thể giúp ông Giuliani né tránh số tiền phải bồi thường cho 2 cựu nhân viên bầu cử Ruby Freeman và Shaye Moss ở Atlanta, Georgia, do các thẩm phán đã ra phán quyết rằng, các khoản tiền phạt vì tội phỉ báng sẽ không được miễn trừ nếu con nợ có hành vi "cố ý và ác ý".

Trong phiên tòa kéo dài 4 ngày hồi tuần trước, Freeman và Moss cho biết đã bị quấy rối và đe dọa nghiêm trọng sau khi ông Giuliani quy kết họ “cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử” ở bang Georgia cách đây hơn 3 năm, một cách vô căn cứ. Ông Giuliani tiếp tục lặp lại những cáo buộc đó sau phán quyết buộc bồi thường ngày 15/12 của bồi thẩm đoàn ở Washington, mặc dù ông đã thừa nhận trước tòa rằng các phát biểu đó mang tính chất phỉ báng. Động thái khiến 2 cựu nhân viên bầu cử nộp đơn kiện ông lần thứ hai.