Từ khi UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hầu hết các xã trong huyện đã xây dựng chính sách hỗ trợ cho các thôn như hỗ trợ xây dựng vườn hộ, hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, hỗ trợ lắp đặt đèn chiếu sáng, chỉnh trang nhà văn hóa, hỗ trợ các chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP… 

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của huyện, các xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2030.

Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Là huyện thuần nông, để nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân, Vĩnh Lộc đặc biệt chú trọng đến phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao. Nhờ các chính sách hỗ trợ, động viên phù hợp, đến nay trên địa bàn huyện có 104,3 ha sản xuất công nghệ cao; 481 ha sản xuất tập trung.

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng chuyển từ nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi trang trại, sản xuất hàng hóa. Nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn và không gây ô nhiễm môi trường, huyện đã chỉ đạo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ biogas, đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát dịch bệnh để chăn nuôi bền vững… Đến nay, toàn huyện có 335 trang trại và gia trại, 7 cụm trang trại chăn nuôi tập trung, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn sản phẩm chất lượng cao.

Trong lĩnh vực vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay hầu hết các xã đều có bãi tập kết rác thải sinh hoạt để vận chuyển về khu xử lý tập trung, 99% gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 98,71%. Công tác vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng, ngõ xóm được duy trì đều đặn, góp phần làm cho bộ mặt làng quê luôn sạch, đẹp, khang trang. 

Về huy động nguồn lực xây dựng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhờ đa dạng hóa các nguồn lực, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã huy động được 156.497,7 triệu đồng cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn cộng đồng dân cư (tiền mặt, hiến đất, xây mới và chỉnh trang nhà cửa, xây dựng vườn mẫu, cải tạo vườn tạp) đạt 101.879,1 triệu đồng (chiếm 65,1%).

Nhờ nguồn đầu tư trên, cùng với các kết quả trong các lĩnh vực phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, tạo việc làm, thương mại dịch vụ; văn hóa xã hội; giáo dục đào tạo, y tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, kết quả cuối năm 2021, ngoài 100% số xã duy trì nông thôn mới, Vĩnh Lộc đã có 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Vĩnh Minh, Vĩnh Tiến và Vĩnh Tân. Cũng năm 2021, toàn huyện có 5 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của Vĩnh Lộc đang được triển khai hiệu quả, đem lại sự thay đổi toàn diện, tích cực làm thay đổi bộ mặt làng quê và đời sống mọi mặt của nhân dân. 

Thanh Hạ