Nga và Ukraine đang chiếm tới 90% lượng xuất khẩu khí neon. Khí neon lại là nguyên liệu cơ bản cho các nhà sản xuất chip toàn cầu. Với tình hình chiến sự hiện nay, Nga và Ukraine không xuất khẩu khí neon dẫn đến cuộc khủng hoảng chip thế giới.  

Cùng với đó, việc tăng giá, thiếu hụt nhiều mặt hàng chiến lược như kim loại, nhiên liệu hóa thạch, lượng thực thực phẩm. Chưa bao giờ, một số bang của nước Mỹ phải công bố tình trạng thiếu sữa cho trẻ em. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chiến lược khủng hoảng đối phó với giá năng lượng trong nước. Có thể thấy, mặc dù Washington được thu lợi từ việc cấm dầu hỏa, khí đốt của Nga trên thị trường quốc tế nhưng đồng thời cũng gặp khó khăn trong nước.

Không dừng lại ở đó, thị trường xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ sang châu Âu và châu Á đang có sự chuyển đổi cấu trúc rất mạnh. Lượng khí từ Mỹ xuất khẩu sang EU tăng gấp 3 lần, trong khi giảm lượng xuất khẩu sang châu Á. Các chủ hàng sẵn sàng chịu phạt mỗi chuyến tàu hơn 1 triệu USD để chuyển năng lượng từ châu Á sang châu Âu do lợi nhuận bán ở châu Âu đã cao gấp nhiều lần số tiền bị phạt theo hợp đồng.

Những câu chuyện trên được TS.Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng dẫn chứng tại Hội thảo Quốc gia “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam – lần thứ 2” do Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức mới đây.

Theo ông Kiên, chưa bao giờ trên thế giới diễn ra chuỗi trừng phạt kinh tế khốc liệt, mang đầy tính rủi ro như hiện tại. Việc trừng phạt một quốc gia lớn như Nga cũng chưa từng có tiền lệ. Khi tiến hành trừng phạt, thế giới nhận ngay sự gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. Điều này dẫn đến chuỗi bất ổn mới.

Từ đầu năm đến nay, lạm phát trên toàn thế giới gia tăng, chỉ số lạm phát ở Mỹ cao nhất trong 40 năm trở lại đây, EU cũng vậy. Với việc lạm phát gia tăng thì phản ứng trong điều hành chính sách tiền tệ ở mỗi quốc gia khác nhau. Từ việc mở rộng chính sách tiền tệ để vượt qua đại dịch Covid-19 thì giờ nhiều quốc gia bắt đầu thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.

Nếu ở Mỹ, dự báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất từ nay đến cuối năm 2022 lên mức 2,5% thì đây là một trong những đợt tăng lãi suất rất lớn trong quá trình điều hành nền kinh tế của Fed. 

GS.Sử Đình Thành – Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM dẫn đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xung đột tại Nga - Ukraine làm cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và lạm phát cao. Tuy nhiên, đó mới chỉ là hiệu ứng vòng 1. Cho đến giờ, không ai có thể dự báo chính xác diễn biến tương lai xung đột như thế nào. Giả dụ hòa bình có thể đến vào ngày mai nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện các hiệu ứng vòng 2, vòng 3, dẫn đến định hình lại trật tự mới kinh tế, chính trị toàn cầu.

Các hiệu ứng nhiều tầng này do những chuyển dịch trong thương mại năng lượng, các chuỗi cung ứng được cấu hình lại, mạng lưới thanh toán tiền tệ toàn cầu bị phân mảnh, các quốc gia cân nhắc nắm giữ tiền tệ, dự trữ ngoại hối… Nhìn rộng hơn, thương mại toàn cầu đang được đặt trong một bối cảnh mới bất chấp các quy tắc vốn có của nó như: kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, theo đuổi khả năng tự cung tự cấp trong một số ngành công nghệ quan trọng và áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lên đối thủ…

70 quốc gia trong tình trạng nguy hiểm nợ

Đối với Trung Quốc, tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này vẫn tăng. Ưu điểm của Trung Quốc là thị trường nội địa đủ mạnh để có thể vực dậy bất kỳ ngành kinh tế nào trong nước. Do đó, chính sách “zero Covid” vẫn đang được áp dụng triệt để từ năm 2020 đến nay. Với đất nước 1,4 tỷ dân, nếu để dịch bùng phát trên diện rộng thì hậu quả về kinh tế - chính trị - xã hội tại Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều so với tiến hành “zero Covid”. 

TS.Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho hay, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1% trong năm 2021 thì năm 2022 chỉ còn khoảng 4%. Trong khi, Trung Quốc đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, như vậy, khoảng 15% tăng trưởng kinh tế năm nay bị tụt đi chỉ riêng bởi yếu tố Trung Quốc.

Mặt khác, kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6% vào năm 2021 nhưng dự báo năm 2022 của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF thì chỉ ở mức 3,6%; World Bank dự báo khoảng 2,9%; Liên Hợp Quốc UN dự báo 3,1% trong điều kiện tình hình chiến sự Nga – Ukraine dịu đi.

Trái ngược, lạm phát bình quân toàn cầu năm 2022 ở mức 6% trong khi năm 2021 là 3,8% và năm 2020 chỉ là 2%.

Đáng chú ý, hiện Nga nợ các ngân hàng châu Âu số tiền tương đối lớn, vào khoảng 135 tỷ USD. Ý – Pháp – Áo là 3 chủ nợ rất lớn của quốc gia này.

Các ngân hàng Trung ương trên thế giới đang ở thế tiến thoái lưỡng nan bởi khi tăng lãi suất đồng nghĩa với nghĩa vụ trả nợ tăng, dẫn đến rủi ro vỡ nợ toàn cầu. Nợ toàn cầu lên mức kỷ lục 256% GDP năm 2021.

TS.Lực thông tin, trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, nợ toàn cầu tăng nhanh do lãi suất thấp. Cả khu vực Chính phủ, DN hay hộ gia đình đều có mức vay nợ tăng. Đến năm 2022, khi lãi suất tăng thì nghĩa vụ trả nợ tăng rõ rệt. Một số nước đứng trước rủi ro vỡ nợ.

Srilanka là một ví dụ điển hình khi tuyên bố vỡ nợ vào tháng 4/2022. 70 quốc gia (chủ yếu các quốc gia có thu nhập thấp, nghèo) trong tình trạng nguy hiểm như Pakistan, Ghana, El Salvador, Tunisia, Ai Cập… 

Tỷ lệ nợ/GDP của hộ gia đình, cá nhân tăng mạnh, lên tới 70,7% GDP toàn cầu năm 2021. Nhiều nước có tỷ lệ nợ tư nhân/GDP cao (> 100% GDP) như Australia, Canada, Đan Mạch, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Hà Lan….

Trần Chung