Dự án tu bổ, khắc phục trọng điểm xung yếu tuyến đê tả sông Càn đoạn từ Km 7+840 - Km 8+720 do UBND huyện Nga Sơn làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần xây dựng Vacic (địa chỉ tại TP. Thanh Hóa) với giá trúng thầu hơn 6,3 tỷ đồng. Chiều dài tuyến đê thi công hơn 450m. 

Tuyến đê đang thi công bất ngờ bị sạt trượt nghiêm trọng.

Dự án đang trong quá trình thi công thì xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng vào chiều tối 16/4. 

Vị trí sạt trượt, đất đắp và đá dăm phần mặt vừa được lu lèn bị đẩy ra phía bờ sông, gây hở hàm ếch ở phía mặt đê. Tuyến vẫn tiếp tục có nguy cơ sạt trượt. Chiều dài vết sạt khoảng hơn 50m, có chỗ sâu so với mặt đê gần 2m.

Những người dân sinh sống ở đây cho biết, hiện tượng nứt mặt đê xuất hiện cách đây khoảng 4 - 5 ngày. Tuy nhiên, đến chiều 16/4, mặt đê bất ngờ bị sạt trượt nghiêm trọng.

Có nơi vị trí sạt trượt sâu khoảng 2m so với mặt đê.
Đất bị đẩy tràn xuống sông Càn.
Dọc tuyến vẫn đang xuất hiện vết nứt.

Theo lãnh đạo huyện Nga Sơn, sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương cùng với đơn vị thi công đã căng dây cảnh báo, không cho các phương tiện qua đê để chờ phương án xử lý, khắc phục.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, đã nắm được sự việc trên.

Chính quyền địa phương căng dây cấm người dân qua lại khu vực sạt trượt.

Cũng theo ông Nam, sau khi nhận được thông tin, lập tức lãnh đạo Sở đã xuống hiện trường ghi nhận sự việc. Nguyên nhân ban đầu được xác định, trong quá trình triển khai thi công xảy ra sự cố gặp túi bùn trên nền đất yếu gây sạt trượt mái đê.

Trước mắt, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị thi công tập trung công tác đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân xung quanh trong khu vực xảy ra sự cố, đồng thời cắm biển và căng dây cảnh báo để không cho người dân đi qua lại.

“Ngày 18/4, lãnh đạo tỉnh, cũng như các sở, ngành liên quan sẽ xuống hiện trường, cùng với chính quyền địa phương và đơn vị thi công đánh giá sự cố về mặt chuyên môn để có hướng xử lý tiếp theo”, ông Nam thông tin.