Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của nước ta phát thải khoảng 88 triệu tấn CO2 quy đổi, chiếm tới hơn 1/3 tổng lượng phát thải toàn quốc. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa là lớn nhất chiếm 50% phát thải trong nông nghiệp.

Để thực hiện cam kết quốc tế đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành nông nghiệp buộc phải thực hiện các giải pháp canh tác bền vững, giảm phát thải.

Sự kiện quan trọng của ngành lúa gạo Việt Nam

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" là một trong ba nhóm giải pháp mà Việt Nam đã thực hiện kể từ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 và COP 28 đang diễn ra.

Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ công bố với cộng đồng quốc tế, tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 vào cuối tuần trước.

Như vậy, một quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo sẽ được triển khai, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đồng thời bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về cắt giảm phát thải khí nhà kính.

W-nganhlua.png
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Mục tiêu đề án là nâng cao thu nhập cho người nông dân, trong đó quan trọng làm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất lúa gạo ở Việt Nam theo hình thức liên kết, quy mô lớn, quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng, gắn với mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Đây được xem là sự kiện quan trọng của ngành lúa gạo Việt Nam, được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương trông đợi; là cú hích lớn về mặt định hướng để thay đổi phương thức tổ chức sản xuất của ngành lúa gạo Việt Nam, định vị lại hình ảnh lúa gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công đề án này, khoa học công nghệ và tri thức hóa người trồng lúa là yếu tố cực kỳ quan trọng và để khai mở được sức mạnh này cần phải có sự thay đổi về cơ chế và bổ sung nguồn lực. 

Sẵn sàng cho Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL sẽ được thực hiện ngay vụ Đông Xuân 2023-2024 tới, với diện tích 180.000 ha.

Trong tuần này, đoàn công tác của Bộ NN&PTNTđang trực tiếp làm việc với các địa phương để đẩy nhanh triển khai đề án.

Với lộ trình cụ thể, quy hoạch vùng rõ ràng, bài bản, bắt đầu từ quy mô nhỏ, không ồ ạt, theo bà Trần Kim Liên Chủ tịch HĐQT Vinaseed cho biết: đề án hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đổi mới trong nông nghiệp.

“Nếu thực hiện thành công đề án này tại 12 tỉnh ĐBSCL chúng ta sẽ có nền tảng để tổ chức lại toàn bộ mảng sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Khi đó, ngành hàng lúa gạo của chúng ta sẽ có những sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới, đặc biệt là chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, giảm phát thải và tạo ra sự khác biệt cho lúa gạo Việt Nam”, Chủ tịch HĐQT Vinaseed nhấn mạnh.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết sau khi Chính phủ phê duyệt đề án này, Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Cụ thể, năm 2024 Kiên Giang sẽ tham gia 60.000ha/vụ (tương đương 120.000ha/năm hai vụ), đến năm 2025 là 100.000ha/vụ và năm 2030 sẽ có 200.000ha/vụ (tương đương 400.000ha/hai vụ). Tất cả diện tích đã đạt chuẩn trong chương trình VnSAT sẽ tham gia đề án, giai đoạn 2024 - 2025.

Bước đầu có 112 hợp tác xã đủ điều kiện tham gia đề án tại tám huyện của tỉnh. Hiện nay, Kiên Giang có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước với trên 700.000ha, ước đạt trên 4,5 triệu tấn lúa.

Dự kiến trong tháng 12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang sẽ trình UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện đề án này và đề xuất nguồn vốn cho đề án. Trong bốn tiêu chí của đề án 1 triệu ha lúa, có hai chỉ tiêu là kéo rơm ra đồng ruộng, tiêu thụ rơm và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tưới nước ngập, khô xen kẽ khó thực hiện.

Tại HTX Gò Gòn của tỉnh Long An thì toàn bộ diện tích hơn 460 hecta đã sẵn sàng tham gia đề án.

Với 60.000 ha tham gia Đề án, Long An có hơn 81% diện tích ứng dụng 1 phải 5 giảm, áp dụng cơ giới đồng bộ, khâu xử lí rơm rạ đạt 80%.

Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Phát, Long An, cho biết: "Theo tập quán,bà con dùng tới 10 bao phân, hiện nay có 6,7 bao thôi. Thuốc thì hạn chế trừ sâu, rầy chỉ phun 1 lần".

Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 dù mới được phê duyệt, nhưng 12 tỉnh, thành trong khu vực đã sẵn sàng từ sớm. Dự kiến, ngay trong vụ Đông Xuân này, sẽ có từ 180.000 - 200.000 hecta tham gia thực hiện.

Bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, chia sẻ: "Khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa, ngành nông nghiệp An Giang cũng đăng ký 200 nghìn ha. Tỉnh đang gắn kết với 1 số doanh nghiệp để sản xuất theo tiêu chuẩn, hướng đến 1 số vùng để tham gia trong phạm vi đề án này".

Việc thực hiện thành công Đề án này là minh chứng sống động về vai trò, trách nhiệm của Việt Nam không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực của thế giới mà còn thực hiện các cam kết, trách nhiệm đối với toàn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu trong thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Hồng Anh