Trên cơ sở tổng kết những thành tựu đã đạt được về lĩnh vực văn hóa những năm đầu thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011)...

Đại hội XIII của Đảng xác định khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho tương lai

Trên tinh thần đó, Hội nghị Văn hoá tỉnh Bình Phước năm 2023 mang tính chiến lược trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, với 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Phước long trọng tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh và trực tuyến đến 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh với sự tham dự của 13.000 đại biểu.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, hội nghị đã tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong bối cảnh hiện nay; Xây dựng và phát triển con người Bình Phước thông qua các phong trào yêu nước, các cuộc vận động đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. 

Riêng với vấn đề phát huy giá trị văn hóa, các tham luận tập trung bàn thảo về việc khai thác nguồn lực văn hóa Bình Phước trong sự nghiệp phát triển bền vững; Phát huy nguồn lực di tích lịch sử văn hóa ở Bình Phước trong vùng Đông Nam Bộ; Xây dựng và quảng bá triết lý và thương hiệu văn hóa tỉnh Bình Phước. 

Nhìn lại hành trình từ khi tỉnh được tái lập năm 1997 đến nay, Đảng bộ, chính quyền Bình Phước luôn coi trọng vai trò của văn hóa và quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong quá trình phát triển.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được về xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa VI, đồng thời thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng bộ tỉnh Bình Phước qua các nhiệm kỳ luôn xác định văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng, động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Xác định con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã tập trung đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.

Hiện nay, địa bàn tỉnh Bình Phước có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 25 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; 43 di tích được xếp hạng, trong đó có 5 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 12 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 26 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho tương lai.

"Do đó, yếu tố đầu tiên Bình Phước cần quan tâm hơn nữa là phải thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của văn hóa", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

Bình Phước được biết đến với nhiều địa danh, di tích lịch sử, văn hóa và dấu mốc quan trọng, làm nên những chiến công vang dội, trang sử vàng đi vào lịch sử dân tộc như Chiến thắng Đồng Xoài năm 1965, là nguồn cảm hứng để Nhạc sỹ Xuân Hồng sáng tác, phổ nhạc bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” nổi tiếng; Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, giải phóng Lộc Ninh, là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng; Chiến thắng Chiến dịch đường 14 - Phước Long, làm cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975…

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng bào các dân tộc từ khắp mọi miền đất nước đến vùng đất Bình Phước sinh sống, lập nghiệp ngày càng nhiều với 41 thành phần dân tộc, tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng, miền.

Những trầm tích văn hóa kết tinh trong các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng những phẩm chất đặc trưng, cốt cách con người Bình Phước đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bình Phước cần nhìn nhận những hạn chế trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Bình Phước cần tiếp tục đổi mới nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa và xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; xác định việc xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Phước.

Tỉnh tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bình Phước trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa và xây dựng Bình Phước thành một địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, sau hội nghị này, tỉnh Bình Phước sớm có chủ trương, giải pháp, đề án, kế hoạch cụ thể về lĩnh vực văn hóa để “văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng,” “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội,” góp phần đưa tỉnh Bình Phước phát triển bứt phá, khát vọng vươn lên, sớm trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030.

Định vị lại vai trò, vị thế văn hóa của xứng tầm nội lực

Tiếp thu và phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường ghi nhận, những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã phác họa rõ nét về bức tranh văn hóa toàn tỉnh Bình Phước thời gian qua, từ những ưu điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực văn hóa được chỉ ra cụ thể.

"Đây là những căn cứ xác đáng, luận cứ khoa học và thực tiễn để tỉnh có định hướng rõ nét hơn nữa trong xây dựng văn hóa và con người Bình Phước thời gian tới", Bí thư Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ.

Ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, hội nghị hôm nay là động lực lớn đủ sức thuyết phục để tỉnh ban hành những nghị quyết xứng tầm với tiềm lực văn hóa của tỉnh trong thời gian tới. Và sẽ trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị tạo ra những hành động thiết thực để xây dựng văn hóa, con người Bình Phước trong thời kỳ mới. Đồng thời là cơ sở để tỉnh định vị lại vai trò, vị thế văn hóa của tỉnh trong vùng không gian văn hóa khu vực, xứng tầm với nội lực lĩnh vực văn hóa hiện nay.

Phước Long