Dưới đây những điểm khác nổi bật trong dự thảo thông tư mới về dạy thêm, học thêm (đang được Bộ GD-ĐT xây dựng, lấy ý kiến dư luận) và quy định hiện hành (Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT):
Quy định hiện nay (theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT hiện hành) |
Dự thảo thông tư mới (đang xây dựng, nếu được thông qua sẽ thay thế Thông tư 17) |
|
---|---|---|
1. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học | Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. |
Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Bộ GD-ĐT lý giải: Theo chương trình GDPT mới, học sinh tiểu học 2 buổi/ngày và hầu hết các trường đã áp dụng, đồng nghĩa không tổ chức dạy thêm trong trường. Do đó, về bản chất, dự thảo thông tư mới không thay đổi so với hiện nay. |
2. Quy trình “ngược nhau” về dạy thêm, học thêm trong nhà trường |
Yêu cầu học sinh, phụ huynh viết đơn tự nguyện xin học thêm, sau đó nhà trường xây dựng kế hoạch dạy thêm. Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký. Hiệu trưởng xét duyệt danh sách, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm. |
Giáo viên đề xuất dạy thêm, học thêm cần nêu rõ lý do; mục tiêu; nội dung, thời lượng… trong tổ chuyên môn để lấy ý kiến, đi đến thống nhất. Căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn, hiệu trưởng họp với ban lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện ban phụ huynh để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch. Sau khi công khai kế hoạch dạy thêm, học thêm, nhà trường cho học sinh tự nguyện đăng ký, rồi xếp lớp, phân công giáo viên giảng dạy. |
3. Viết “đơn tự nguyện” xin học thêm trong trường | Học sinh có nguyện vọng phải viết đơn xin học thêm gửi trường; phụ huynh ký, cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết. | Không yêu cầu học sinh viết "đơn tự nguyện" để tránh vấn đề hình thức. |
4. Mức thu tiền học thêm trong nhà trường | Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. |
Mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh theo quy định. |
5. Quy định mức trần tổng thời lượng dạy học, bao gồm học thêm trong nhà trường |
Không |
Tổng thời lượng dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch của nhà trường và dạy thêm học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học; không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS; không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT. |
6. Giáo viên công lập không được tổ chức dạy thêm ngoài trường | Quy định rõ giáo viên trường công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. |
Bỏ quy định này. |
7. Dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh mình đang dạy chính khóa. | Quy định giáo viên công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý (hiệu trưởng). |
Giáo viên công lập dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa không cần xin phép hiệu trưởng. Tuy nhiên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học thêm. Giáo viên cũng phải cam kết không sử dụng ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. |
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên và học sinh.
"Từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ cấm việc dạy thêm, học thêm. Bộ GD-ĐT xây dựng dự thảo thông tư lần này nhằm quản lý, hạn chế tối đa những tiêu cực đối với dạy thêm, học thêm. Vấn đề khiến dư luận bức xúc hiện nay là việc giáo viên dạy học sinh ở trường rồi bằng cách này, cách kia 'ép' các em học thêm. Những trường hợp này học sinh và phụ huynh phải 'tự nguyện một cách bắt buộc'. Đây là vấn đề ngành GD-ĐT phải nhìn thẳng và tìm cách quản lý, khắc phục", ông Thành nói.
Theo ông Thành, Bộ GD-ĐT ra quy định về việc dạy thêm, học thêm nhằm đảm bảo việc này nếu có diễn ra được thực hiện minh bạch, tự nguyện, chứ không khuyến khích học sinh đi học thêm.
Ông Thành cũng khuyên phụ huynh không ôm đồm cho con học thêm quá nhiều.
“Phụ huynh cần xem xét con mình có hứng thú, sở trường về lĩnh vực gì, chứ không thể thích mọi thứ, mọi môn. Bộ GD-ĐT dự thảo quy định để hướng tới việc tự nguyện, đúng mong muốn của học sinh.
Việc đăng ký học thêm quá nhiều hoàn toàn không cần thiết và các con cũng không đủ sức để học. Điều quan trọng nhất là phải có thời gian để học sinh ‘tiêu hóa’ được khối lượng kiến thức, phát triển được năng lực. Việc cho con học nhiều, không ‘tiêu hóa’ được vừa ảnh hưởng sức khỏe, vừa phản tác dụng”, ông Thành đưa lời khuyên.
Theo ông Thành, chương trình phổ thông 2018 được thiết kế nhằm hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Theo đó, kiến thức mới chỉ là điều kiện cần, là nguyên liệu và phải được vận dụng, thực hành mới trở thành năng lực của học sinh.
Ông Thành cũng nhắn nhủ: “Cha mẹ học sinh phổ thông bây giờ hầu hết là công dân thế hệ mới, sống trong thời đại mới với môi trường công nghệ. Vì vậy cần nhận thức và đủ sự tự tin, bản lĩnh để quyết định con mình cần và có xu hướng về điều gì thì học thêm cái đó mà thôi.
Đừng hoang mang khi thấy con người ta đi học thêm môn này môn kia rồi đăng ký theo. Sự phân công lao động trong xã hội là rất rõ ràng và đánh giá đúng năng lực của con mình để chọn hướng đi phù hợp mới là lý tưởng của mỗi gia đình. Cái gì cũng muốn con giỏi rồi đăng ký học thêm cho bằng được thì chỉ làm hại con”.