Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là mục tiêu phổ quát được đưa ra nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc (LHQ). SDG là sự tiếp nối của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng và tích cực triển khai thực hiện tất cả các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu 17 (phục hồi các quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững).

W-covietnam-1.png
Cờ Việt Nam tại trụ sở Liên Hợp Quốc

Đánh giá về nỗ lực thực hiện SDG thứ 17 của Việt Nam cũng như về triển vọng hiện thực hóa các SDG của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Gương mặt Hành động của Việt Nam đại diện mục tiêu SDG 17 và thông điệp về ‘sức bền’ của phụ nữ Việt cho hay chúng ta nhận thức rõ đây là mục tiêu bao trùm và có ý nghĩa then chốt vì nếu không thiết lập được quan hệ đối tác tốt, không có tăng trưởng thương mại quốc tế, không huy động được nguồn lực trong nước và bên ngoài, không huy động được sự tham gia của toàn xã hội, không có sự gắn kết và phối hợp chính sách phát triển thì không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia các sáng kiến toàn cầu, đưa ra nhiều sáng kiến và có nhiều đóng góp quan trọng vào các nỗ lực quốc tế nhằm gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quyền con người… Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về thực hiện SDG, hành động vì khí hậu, tích cực chuyển đổi để thực hiện các SDG, đặc biệt là chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Việc huy động nguồn lực trong nước cùng với tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm cả hỗ trợ phát triển chính thức của các chính phủ, hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, đầu tư tư nhân nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài để phát triển được đẩy mạnh, triển khai thực hiện đối tác công-tư chuyển biến tích cực.

Chúng ta đã góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mới. Giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh. Nhiều chính sách thúc đẩy phát triển bền vững của Việt Nam được xây dựng trên góc nhìn đa chiều, tính toán tới mối tương quan giữa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Vai trò của các tổ chức xã hội được phát huy mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy hợp tác giữa các đối tác trong nước và quốc tế nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là thực hiện các chính sách xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm yếu thế, thực hiện công bằng xã hội, bình đẳng giới, không bỏ ai lại phía sau.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rõ mục tiêu phát triển của Việt Nam tới năm 2030 và 2045. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực hết sức mình để thực hiện các mục tiêu này và đó cũng chính là hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững. Với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới và thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), với những kết quả đáng khích lệ của tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững những năm qua, với quyết tâm và nỗ lực to lớn của nhân dân cả nước và sự hợp tác hiệu quả của các đối tác quốc tế, chúng ta có cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.