Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội thảo luận có nhiều điểm mới, trong đó quy định xe cứu thương cũng phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Cụ thể, Khoản 2, Điều 36 dự thảo luật quy định, ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Đáng chú ý, dự thảo cũng bổ sung ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Góp ý về nội dung này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại về sự cần thiết của quy định này.
Bởi theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, đối tượng điều chỉnh quá rộng (thêm cả xe cứu thương, ô tô đầu kéo) cũng phải lắp thiết bị giám sát hành trình. “Việc lắp nhiều loại thiết bị và thu thập nhiều dữ liệu như thế có cần thiết không? Có xung đột với các luật khác không? Cơ quan nào quy định cụ thể nội dung này?”, ông Quyền băn khoăn.
Vì thế, ông Quyền kiến nghị chỉ quy định lắp thiết bị giám sát hành trình (có thể tích hợp với camera) đối với xe kinh doanh vận tải như quy định hiện hành và quy định cụ thể về hình thành trung tâm tích hợp, phân tích dữ liệu để quản lý và sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn, tránh lãng phí.
Xe cứu thương lắp thiết bị giám sát hành trình là cần thiết
Trái ngược với quan điểm trên, một chuyên gia giao thông khác lại bày tỏ đồng tình với đề xuất mà Bộ Công an đưa ra. Đặc biệt, vị này rất hoan nghênh ban soạn thảo đã đưa xe cứu thương vào quản lý.
“Lâu nay xe cứu thương (nhóm xe của tư nhân làm dịch vụ vận tải chở người bệnh) hoạt động bát nháo, không có quy định cụ thể về mức giá cũng như điều kiện hoạt động. Báo chí đã phản ánh nhiều tình trạng xe cứu thương hoạt động 'chui' sẵn sàng thu tiền, bất chấp chưa được cấp phép hoạt động.
Cụ thể, tháng 5/2023, Công ty TNHH Vận chuyển cấp cứu 115 Huỳnh Quốc (trụ sở tại quận 8, TP.HCM) bị Thanh tra Sở Y tế phạt 160 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 18 tháng, buộc tháo dỡ, xóa quảng cáo vì hoạt động không có giấy phép. Xe cứu thương này từng thu của một bệnh nhân 3,5 triệu đồng cho quãng đường khoảng 4km từ phường 10, quận Tân Bình đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tháng 8 năm ngoái, câu chuyện đau lòng xảy ra với trường hợp gia đình anh T.G. (36 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) vì phải chi tới 16 triệu đồng tiền xe cấp cứu đưa con từ Cà Mau lên TP.HCM cấp cứu. Dù chấp nhận chi khoản tiền lớn để cứu con nhưng em bé không qua khỏi. Cạn tiền, người cha đành phải mang xác con bỏ vào một thùng xốp đưa về quê.
Tôi cho rằng việc không có những quy định cụ thể đối với loại hình xe cứu thương là nguyên nhân đẩy người dân vào những tình huống oái oăm này”, chuyên gia này thông tin.
Do đó, ông cho rằng việc yêu cầu xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe là công cụ cần thiết để minh bạch hóa hoạt động vận tải này. Hơn thế nữa, điều này cũng thống nhất với dự thảo Luật Đường bộ đang được Quốc hội bàn thảo.
Cụ thể, tại dự thảo Luật Đường bộ, ban soạn thảo cũng đề xuất quy định riêng một điều về hoạt động vận tải bệnh nhân bằng ô tô cứu thương, nhằm siết chặt quản lý hoạt động này, đảm bảo an toàn cho người bệnh được vận chuyển.
Dự thảo quy định dịch vụ vận tải người bệnh là việc tổ chức, cá nhân sử dụng ô tô cứu thương có thiết bị y tế chuyên dùng để vận tải người bệnh cấp cứu hoặc vận tải người bệnh.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải người bệnh và sử dụng ô tô cứu thương để vận tải người bệnh phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định các điều kiện của ô tô cứu thương vận tải người bệnh, trong đó, phải có dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin, gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Chuyên gia nhìn nhận, quy định điều kiện về tổ chức, phương tiện để được phép thực hiện hoạt động vận chuyển người bệnh (hoạt động vận tải bằng xe cứu thương) là cần thiết nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này, từ đó góp phần đảm bảo an toàn (bao gồm cả an toàn giao thông) cho người bệnh được vận chuyển.