Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 24/10, nhiều đại biểu đề nghị có chính sách đãi ngộ, tăng lương, phụ cấp đối với y bác sĩ.

Cụ thể hóa chính sách đãi ngộ và đặc biệt đối với người ngành nghề y

Đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) dẫn báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đề cập là “có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung với chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, chế độ đãi ngộ, cơ chế chính sách tiền lương phù hợp, xứng đáng cho cán bộ y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế”. 

Giải trình về nội dung này, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã chỉ rõ bao gồm cả cán bộ y tế, bác sĩ ngành y tế. 

Đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) 

Đại biểu An cho rằng “giải trình như vậy cũng chưa thực sự thuyết phục” bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo luật về chính sách của Nhà nước khám bệnh, chữa bệnh, Nhà nước có chính sách “đãi ngộ đặc biệt” đối với ngành y.

“Tôi cho rằng đây mới chỉ là quy định về chính sách chung, cần được cụ thể hóa trong các điều luật cụ thể quy định quyền của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, trong dự thảo luật tại các quy định về quyền của người hành nghề từ Điều 36 đến Điều 40 ở Mục 4 Chương II, tôi chưa thấy thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người hành nghề”, đại biểu chỉ rõ.

Theo đại biểu tỉnh Thái Bình, thời gian qua, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát tất cả đều thừa nhận và ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của những cán bộ, lực lượng y tế trong công tác phòng, chống dịch, nhất là những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

"Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta cũng biết rằng thời gian gần đây cũng có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc do đời sống khó khăn và những nguyên nhân khác. Do đó cần có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cả về vật chất và tinh thần cho các lực lượng này”, đại biểu An nói.

Vì vậy, ông đề nghị bổ sung quy định trong dự thảo luật để cụ thể hóa chính sách đãi ngộ và đặc biệt đối với người ngành nghề y. Trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp trang phục và chế độ đặc thù đối với người hành nghề tại các cơ sở y tế công lập.

Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao, bảng lương, hệ số lương phải khác

Cùng mối quan tâm, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho rằng, dự thảo luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế. Yếu tố đặc biệt được định tính ở mức độ nào để đủ sức trở thành một trong những động lực cơ bản cho đội ngũ, vì ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành khác. 

“Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao, bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn. Ngoài ra, với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần, như hưởng 100% phụ cấp thu hút và phụ cấp đặc thù. Nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm”, nữ đại biểu Sóc Trăng gợi ý.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng). Ảnh: Phạm Thắng

Bề đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách tiền lương cho phù hợp, xứng đáng cho cán bộ y, bác sĩ và nhân viên ngành y tế hoặc giao đơn vị chủ trì dự thảo hướng dẫn chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt này.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng bày tỏ trăn trở về chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, chuyên gia và chế độ đãi ngộ, cơ chế chính sách tiền lương đối với y, bác sĩ, viên chức y tế. 

“Thực trạng hiện nay chế độ, chính sách đãi ngộ thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa đảm bảo, chưa tương xứng với quá trình đào tạo và mức công việc của ngành y tế”, đại biểu chỉ rõ.

Ông Quân dẫn Nghị quyết số 20 của Trung ương, Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ nghề y là một ngày đặc biệt, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. 

“Do đó, tôi kính đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo cân nhắc cần luật hóa, bổ sung chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, bác sĩ và nhân viên y tế vào trong luật. Trước mắt đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56 ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập và cân nhắc tăng phụ cấp nghề lên 80 đến 100% đối với cán bộ y tế”, đại biểu tỉnh Sóc Trăng nói.

Cần quy định giá bán ra tại các cửa hàng bán thuốc chữa bệnh

Đại biểu Trần Văn Thái, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng những quy định liên quan đến giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dự thảo trong dự thảo luật.

Vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải được giải quyết thấu đáo, hiệu quả để tháo gỡ được nhiều khó khăn, đặc biệt là đảm bảo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, có khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế. 

Đại biểu cũng lưu ý về vấn đề quản lý giá thuốc, hiện Nhà nước chưa có quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh, chỉ mới khống chế giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc của bệnh viện.

Do vậy, ông đề nghị giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải được Nhà nước thống nhất quản lý tại Luật giá (sửa đổi). Theo đó ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; Khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế, thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa; quy định giá bán ra tại các cơ sở bán thuốc chữa bệnh.