Sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3.
Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng đã góp phần củng cố niềm tin vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng tiêu cực, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Cử tri và nhân dân quan tâm, đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và việc ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc.
Ông Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân tin tưởng rằng từ tăng cường phối hợp giữa hai cơ quan lập pháp đến tạo khung pháp lý giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước và củng cố nền tảng xã hội cho tình hữu nghị Việt - Trung, đồng thời kỳ vọng những thành quả này sẽ góp phần làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ song phương.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ lo lắng về tình trạng vi phạm trật tự giao thông của một bộ phận thanh thiếu niên; tình trạng xâm nhập mặn, nắng nóng gay gắt kéo dài tại Đồng bằng sông Cửu Long; tình trạng sụt lún, sạt lở nghiêm trọng tại một số địa phương...
Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, ông Dương Thanh Bình cho biết, tính đến nay, Ban Dân nguyện đã nhận được kết quả giải quyết, trả lời đối với 2.132 kiến nghị trong tổng số 2.216 kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15; tỷ lệ giải quyết, trả lời đạt 96,2%.
Ban Dân nguyện nhận thấy về cơ bản các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng chậm giải quyết, trả lời kiến nghị, đến nay mặc dù đã quá thời hạn trả lời nhưng vẫn còn 84 kiến nghị cử tri chưa được giải quyết, trả lời.
Xử lý các hạn chế trong giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri
Để giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, Ban Dân nguyện đã tổ chức làm việc với một số bộ về các hạn chế trong giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 3, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 2.
Tại trụ sở tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và TP.HCM, các cơ quan chức năng đã tiếp 246 lượt với 475 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 246 vụ việc và có 13 đoàn khiếu kiện đông người. So với tháng 2 tăng 62 lượt công dân và 62 vụ việc, nhưng lại giảm 3 lượt đoàn đông người.
Các công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội và trụ sở tiếp công dân Trung ương về cơ bản đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; không gây ra các vụ việc, tình huống phức tạp về an ninh, trật tự.
Theo báo cáo từ các địa phương, trong tháng 3 các vụ việc liên quan đến đất đai; vi phạm trong lĩnh vực môi trường, xây dựng, giao thông, đô thị, lao động - việc làm... vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên 15 vụ việc khiếu kiện có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan theo dõi sát biến động cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, tăng cường các hoạt động kiểm soát hàng hóa, bình ổn thị trường, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.
Chính phủ cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ các địa phương bị sụt lún, sạt lở đất về kinh phí và giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở đất nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân, bảo vệ hệ thống công trình giao thông, thủy lợi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT tiếp tục có giải pháp triển khai có hiệu quả việc phòng, chống cháy rừng; phòng chống xâm nhập mặn và đảm bảo nguồn cung nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm, có tính chất răn đe đối với tội phạm lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng.
Bộ Y tế tăng cường công tác chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn ngay từ đầu.