Người Pa kô cư trú chủ yếu trên những vùng núi cao, cuộc sống gắn bó với thiên nhiên, núi rừng, nên cộng đồng người Pa kô vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống của cha ông từ ngàn xưa để lại.

Từ xa xưa, đồng bào Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị đã có đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú và đặc sắc. Đó là tinh hoa được kết tinh từ lao động sáng tạo và đấu tranh vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tạo hóa để tồn tại và phát triển.

Loại hình văn nghệ dân gian đã được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, trong môi trường sống, trong mối quan hệ cộng đồng bền chặt và được thể hiện trong đời sống hằng ngày, qua các phong tục tập quán, các mùa lễ hội. Kho tàng văn nghệ dân gian của các dân tộc thiểu số ở Quảng Trị không bằng được các dân tộc vùng Tây nguyên và nhiều nơi khác nhưng cũng khá đa dạng và phong phú. Đối với các câu truyện cổ tích thì tư tưởng bao trùm lên tất cả là đề cao sự chung thủy, khuyến giáo đạo lý làm người, phê phán những kẻ thống trị tàn bạo, những hạng người xảo trá, lừa lọc trong quan hệ gia đình, xã hội. Đối với âm nhạc, trong quá trình lao động sản xuất, người Pakô sản sinh ra những loại hình âm nhạc dân gian phong phú, thể hiện rõ nét trong các hoạt động lễ hội hàng năm như: lễ cúng trời đất, cúng lúa mới, mừng làng mới, nhà mới....

Trong các lễ hội đó, người Pa kô thường gửi gắm những tình cảm của mình đến trời, đất bằng các lời ca, tiếng hát, bằng các làn điệu dân ca truyền thống. Dân ca của người Pa Cô là những giai điệu đơn giản, hoang sơ và dân dã như: Ta/Cha chấp, A dên, Ka lơi, oát, tà ôi... 

Bên cạnh những làn điệu dân ca, người Pa kô cũng sáng tạo ra hệ thống nhạc cụ phong phú để phụ họa. Những nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa có sẵn trong thiên nhiên như: Tirel, A mam, Ăng cưi, Ăng kêm, A bel, Ta lư, Tăng coi... Họ quan niệm, âm thanh của tiếng trống, tiếng cồng chiêng mỗi khi ngân vang lên sẽ chuyển tải sự tôn kính từ đáy lòng của cộng đồng, của mỗi người dân Pakô tới các đấng thần linh, tới ông bà, tổ tiên, chào mừng họ về chung vui mỗi khi bản làng mở hội.

Đặc biệt, trong sinh hoạt lễ hội của người Pa kô không thể thiếu nhạc cụ tù và (làm bằng sừng trâu). Trong cộng đồng dân tộc Pa kô, tù và thể hiện quyền uy của người đứng đầu bộ tộc. Trong âm nhạc dân gian tiếng tù và cũng là âm thanh phát đi hiệu lệnh nghi thức bắt đầu. Tiếng tù và chỉ vang lên mỗi khi buôn làng mở hội lớn hay trong những nghi lễ tam linh ngày lễ mồ mả (A riêuping).

Bghi lễ tam linh ngày lễ mồ mả (A riêuping)

Bên ánh lửa bập bùng của những mùa lễ hội, âm thanh tiếng khèn vang vọng núi rừng của  những đêm "Sim", càng  khơi dậy niềm đam mê ca hát  của nhiều thế hệ già trẻ, gái trai. Họ hát dân ca Pa Kô để thể hiện niềm vui sướng sau những vụ mùa bội thu, hát để thể hiện niềm  hạnh phúc từ tình yêu dân ca  của những con người lao động mộc mạc chân chất.

Với cộng đồng dân tộc thiểu số, lịch sử thường được lưu giữ, chuyển tải qua các lễ hội dân gian, qua lời ca tiếng hát, qua những âm thanh của nhạc cụ. Để con cháu hiểu rõ nhất về truyền thống của tổ tiên, cộng đồng người Pakô đang nỗ lực bảo tồn, khôi phục lại những làn điệu dân ca, dân vũ.

Để tiếp sức cho đồng bào, trong những năm qua, ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị nơi có đông đồng bào Pakô sinh sống đã có nhiều hình thức để phục hồi và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca, dân vũ của bà con.

Hồng Vũ