Nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua đời sáng 26/7 tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) sau thời gian điều trị bệnh, hưởng thọ 81 tuổi.
Ông là gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào đấu tranh đô thị của giới trẻ miền Nam trước năm 1975. Các bài Xuống đường, Người đợi người, Hát trong tù, Lúa reo trên những cánh đồng... đã đồng hành cùng bao sinh viên, học sinh Sài Gòn những đêm không ngủ.
Nhạc phẩm Hát cho dân tôi nghe - hạt nhân của phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe - tạo ra làn sóng lan tỏa mạnh mẽ, nóng bỏng, đánh thức lương tâm và lòng nhiệt thành của người trẻ sinh ra trong thời bom đạn.
Đặc biệt, âm nhạc của Tôn Thất Lập không dừng ở thời chiến. Từ giữa thập niên 1960 đến sau thập niên 2000, ông viết rất nhiều tác phẩm nhạc trữ tình, nhạc trẻ và nhạc thiếu nhi để lại dấu ấn sâu sắc.
Đàm Vĩnh Hưng - người từng hát bài Tình anh của ông, chia sẻ niềm tiếc thương: "Thế là từ nay Tiếng hát về khuya (một sáng tác của Tôn Thất Lập - PV) đã ngủ yên. Biết bao giờ khán giả Việt Nam lại được nghe anh Hát cho dân tôi nghe nữa. Với em, anh là người nhạc sĩ tài hoa, người đàn ông dung dị, người anh nhẹ nhàng, người chú bao dung và người hàng xóm đáng yêu, vô cùng lịch sự, tử tế".
Đàm Vĩnh Hưng thấy may mắn khi kịp có mặt tại Việt Nam để viếng nhạc sĩ Tôn Thất Lập ngày cuối cùng.
Với Phương Thanh, nhạc sĩ Tôn Thất Lập gắn liền với ký ức hoạt động tại Nhà văn hóa Thanh niên khoảng năm 1993 - 1995. Ông giao Phương Thanh thể hiện bài pop rock sôi động Trị An âm vang mùa xuân. Ca sĩ trân trọng Nhà văn hóa Thanh niên như nơi chắp cánh tên tuổi bay xa. Chị ấn tượng việc vô số chương trình hát giao lưu với học sinh - sinh viên luôn có tác phẩm của Tôn Thất Lập.
"Đến nay, chương trình nào cần hát bài Trị An âm vang mùa xuân đều có tên tôi. Sau 24 năm, tôi sẽ hát lại ca khúc này tại đêm nhạc tưởng nhớ ông hôm 5/8 sắp tới để thắp lửa, truyền đi nguồn năng lượng tích cực cho thế hệ trẻ", Phương Thanh cho hay.
NSƯT Mỹ Uyên cũng rất thần tượng nhạc sĩ tài ba, hiền lành, đàn hát hay và giàu chất nghệ sĩ. Với chị, tác phẩm Hát cho dân tôi nghe có sức lay động hàng triệu con tim Việt Nam.
Mỹ Uyên chia sẻ: "Tôi buồn dù biết ai rồi sẽ qua đời vì tuổi già nhưng tin giá trị người nghệ sĩ để lại qua các tác phẩm tử tế sẽ còn mãi".
Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cùng nhạc sĩ Thế Bảo, Tôn Thất Thành (em trai nhạc sĩ Tôn Thất Lập - PV) và một số anh em đến thăm ông hôm 14/4 tại Bệnh viện Quân y 175.
'Tiếng hát về khuya' - nhạc phẩm bất hủ của Tôn Thất Lập qua tiếng hát Khánh Du
Do Tôn Thất Lập đang ngủ, nhóm nhạc sĩ không làm phiền và ra về. Sau đó, họ cùng nhạc sĩ - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Hồng Sơn trò chuyện sôi nổi về cuộc đời và sự nghiệp của "người anh hiền lành, dễ thương".
Khi nghe tin Tôn Thất Lập qua đời, Phạm Đăng Khương, Thế Bảo và những đồng nghiệp thân thiết ông từ thời hoạt động tại Nhà Nghệ thuật quần chúng buồn bã, tiếc thương.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn tâm đắc gia tài sáng tác đồ sộ, phong phú của Tôn Thất Lập, từ những ca khúc kêu gọi đấu tranh cách mạng đến kiến thiết đất nước, sau này tiếp tục chinh phục giới trẻ bằng âm nhạc tình tứ, dễ thương. Anh nhận định thế hệ ngày nay hiếm ai như ông không màng danh lợi, chỉ viết nhạc vì con người và cuộc sống.
Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm, ca sĩ Phạm Khánh Hưng cùng chung cảm xúc. Họ cùng nhiều người thuộc thế hệ 8X miền Nam sinh ra, lớn lên và trải qua tuổi xuân luôn có bóng dáng âm nhạc của Tôn Thất Lập.
Tang lễ nhạc sĩ Tôn Thất Lập sẽ diễn ra sáng 28/7 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Gò Vấp, TP.HCM), lễ động quan vào ngày 30/7. Sau đó, gia đình đưa linh cữu cố nhạc sĩ an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.