Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn nhất trong năm của đạo Phật, kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở thế kỷ VII trước Công Nguyên. Từ năm 1999, ngày lễ Phật Đản 15/4 âm lịch được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.

Tại thời điểm nền hòa bình chung đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, chương trình lễ cầu Quốc thái dân an, hòa bình thế giới sẽ mang đến nhiều giá trị thiết thực, ý nghĩa, giúp lan tỏa những giá trị của hòa bình.

Điểm đặc biệt của lễ cầu nguyện Quốc thái Dân an so với các nghi lễ cầu an khác là người dự lễ mở tâm hồn mình ra, mỗi lời nguyện cầu, mỗi ý niệm là vì tình yêu đất nước, chứ không vì tâm tư nhỏ bé cho riêng cá nhân hay gia đình mình.

“Phật ban phước lành”

Tại Sun World Fansipan Legend vừa diễn ra đại lễ Phật Đản năm 2023, với điểm nhấn là đại lễ cầu quốc thái dân an.

Chương trình năm nay lấy chủ đề “Phật ban phước lành” và được chủ trì bởi Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tính đến 30/5, sự kiện đã thu hút hàng trăm Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khắp mọi miền đất nước cùng tham dự.

Theo đó trong buổi sáng 3/6, tại quần thể tâm linh Fansipan ở độ cao 2.900m sẽ diễn ra đại lễ cầu quốc thái dân an. Đại lễ được tổ chức trang trọng với các nghi thức Phật giáo truyền thống, theo đó sẽ có lễ rước cờ từ Đại tượng Phật A Di Đà, qua đường La Hán men theo thế núi và kết thúc bằng lễ dâng hương tại Kim Sơn Bảo Thắng Tự. Trước cửa Phật, các cao tăng, ni và Phật tử sẽ cùng nguyện cầu bình an, may mắn cho đất nước, người dân.

Chiều cùng ngày, trong lòng Đại Tượng Phật A Di Đà ở độ cao cao nhất châu Á, sẽ diễn ra đại lễ “Phật ban phước lành” được giảng bởi thượng tọa Thích Đức Thiện. Đây đều là những bài kinh để Phật tử cảm nhận rõ hơn về tư tưởng giáo lý nhà Phật và ý nghĩa của những lời răn dạy của Đức Phật, nhìn nhận lại về quá trình tu tập của mình và là bài học, để nuôi dưỡng trí tuệ và từ bi trong mỗi con người.

Chung tay góp sức phục vụ nhân sinh, tốt đời đẹp đạo

Sáng 02/6, tại chùa Thánh Long, thành phố Thái Bình, Ban trị sự giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 – Dương lịch 2023. 

Tại buổi lễ, các đại biểu được nghe thông điệp Phật đản, Phật lịch năm 2567 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận công đức của các cấp giáo hội, đồng bào phật tử Việt Nam trong và ngoài nước đã làm tốt công việc phụng sự và mong tất cả tiếp tục đồng lòng, chung tay góp sức phục vụ nhân sinh, tốt đời đẹp đạo. Đồng thời, kêu gọi các tăng ni, phật tử, các giới càng ra sức làm các thiện sự, tích cực góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo hòa bình.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng, biểu dương, khẳng định, những thành tựu, kết quả đạt được của tỉnh trong thời gian qua, có sự đóng góp không nhỏ của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tiếp tục hạnh nguyện nhập thế, cùng đông đảo tăng ni, phật tử trong toàn tỉnh.

Ông Hoàn đề nghị, trong thời gian tới Giáo hội Phật Giáo Thái Bình tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo gắn với ý thức trách nhiệm người công dân; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chung sức, chung lòng cùng toàn dân xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh. 

Lễ hội hoa đăng nguyện cầu thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh

Trước đó, tối 25/4 (6/3 âm lịch), tại sân Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, UBND huyện Hoa Lư phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện tổ chức Đại lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an.

Tại Đại lễ, các đại biểu và các phật tử, người dân cùng nghe về ý nghĩa của Lễ hội hoa đăng. Đây là một nghi lễ quốc gia đã có từ thời nhà Lý, do đích thân nhà vua trụ trì, với tên gọi là Lễ hội đèn Quảng Chiếu. Vào những ngày lễ lớn, đốt đèn mừng lễ hội, cầu quốc thái dân an, cầu âm siêu dương thái. Nghi lễ này được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh văn hóa của người Việt.

Tiếp nối truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn xưa của cha ông, hàng năm, trước khi diễn ra Lễ hội Hoa Lư, UBND huyện Hoa Lư phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện đều tổ chức lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an, giúp các tăng ni, phật tử và nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của Vua Đinh Tiên Hoàng và các bậc tiền nhân, hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây cũng là dịp tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Sau các nghi thức tưởng niệm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đại biểu và các phật tử, người dân thực hiện nghi thức thả đèn hoa đăng trên dòng sông lịch sử Sào Khê, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tất cả đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh. 

Khơi dậy truyền thống "uống nước nhớ nguồn"

Hôm 17/2, tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc), Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc phối hợp với Chùa Phật Quang (Bà Rịa - Vũng Tàu) long trọng tổ chức” Đại lễ cầu Quốc thái Dân an.

Đại lễ cầu quốc thái dân an tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) là dịp để các tăng ni, phật tử, Nhân dân hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, từ đó tiếp tục khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong không khí linh thiêng, Ban tổ chức cùng các phật tử đã thực hiện các nghi thức tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc; thực hiện các nghi lễ, niệm hương, nguyện cầu cho quốc thái dân an, một năm mưa thuận gió hòa, Nhân dân an lạc, người người hạnh phúc.

Mở lòng để nguyện cầu cho đất nước

Đại lễ cầu quốc thái dân an là hoạt động văn hoá tâm linh mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những công lao, hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, gắn kết, nhắc nhớ cộng đồng về cội nguồn, tinh thần đoàn kết và yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Từ đó, tạo động lực để mỗi người dân cùng chung tay, góp sức, xây dựng một đất nước Việt Nam thái bình, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.

Lễ cầu Quốc thái Dân an là tiếng gọi của lương tâm, của đạo đức chiến thắng vị kỷ. Tại đây không có bóng dáng vị kỷ, chỉ có tình yêu quê hương đất nước – là nơi mà ta đang có mặt, đang hưởng trời đất này, từng cành cây ngọn cỏ đều thấm đẫm bao máu của các anh hùng đã đổ xuống, bao tâm huyết của các lãnh tụ phi thường.

Ngoài ra, đại lễ cầu an này còn là lời nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm với đất nước mình. Như vậy, ngoài ý nghĩa tâm linh, nó còn có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Thông qua đây, mỗi Phật tử lại là một tuyên truyền viên, một người hướng dẫn cho con cháu và những người xung quanh, để ai ai cũng biết yêu thương, biết có trách nhiệm với đất nước mình.

Theo hòa thượng Thích Chân Quang, thay vì chỉ cầu xin cho bản thân, cho gia đình thì mở lòng ra để nguyện cầu cho đất nước. Khi đó cả ‘đạo đức’ và ‘phước đức’ đều tăng lên một bậc. 

Có thể nói, sự kiện đại lễ cầu Quốc thái Dân an đã mang lại một hiệu quả giáo dục về tình yêu nước, về đạo đức lối sống rất cao cho tất cả mọi người tham dự. Với ý nghĩa tốt đẹp của đại lễ cầu Quốc thái Dân an, chương trình luôn thu hút đông đảo đại biểu và các tăng ni, phật tử. 

Hồng Sơn