Bảo tàng là nơi tốt nhất để mọi người có thể đến để học hỏi, tự trang bị cho mình những kiến thức phổ thông nhưng mấy lần bạn gặp các ngôi sao, thương gia, chính khách... ở đó?
Xem lại Bài 1: Người Việt ưa giao lưu bằng nắm đấm
Vẫn biết rằng phát triển kinh tế thì nhanh và dễ hơn phát triển văn hóa nhưng chẳng nhẽ người ta cứ mải làm giàu mà không cần xây dựng cho mình những kiến thức tối thiểu về văn hoá nghệ thuật, hình như họ không có nhu cầu tự nâng mình lên.
Sự chênh lệch của khoảng cách giàu nghèo thì ai cũng nhìn thấy nhưng sự chênh lệch giữa tiền bạc và văn hóa thì ít người biết đến.
Giảm bớt điều này chắc chắn cũng là một yếu tố tạo ra sự ổn định xã hội. Chả lẽ người ta cứ làm giàu, cứ giàu, cứ sôi sục chạy theo vật chất, cứ sống mà không cần quan tâm đến chất lượng sống. Sống không chỉ là chuyện thọ yểu và có bao nhiều tiền mà là sống thế nào.
Học Sinh tham quan bảo tàng. Ảnh: Đại học văn hóa |
Con người luôn có 2 phần hồn và xác, thân và tâm, thân thể và tâm hồn. Thân thể cần được nuôi dưỡng ngày 3 bữa cơm, mệt mỏi ốm đau thì thuốc men, đói ăn khát uống. Tâm hồn cũng vậy, cũng cần nuôi dưỡng, tâm hồn cũng đói khát nhưng chỉ khác với thân thể ở chỗ tâm hồn cần thức ăn tinh thần chứ không thể mổ tim, cắt não ra rồi đổ bát phở tái nạm gầu gân 2 trứng hoặc cao lương mỹ vị vào để cho tâm hồn no nê được.
Để làm đẹp, làm giầu có tâm hồn thì phải đọc sách, xem tranh, nghe nhạc, kho tàng cổ nhạc của dân tộc cũng như thế giới. Phải có niềm vui khi đi thư viện, khi tới bảo tàng. Phấn đấu để có một đời sống tinh thần vương giả mới khó chứ còn chỉ lao theo vật chất, hùng hục kiếm tiền, coi tiền là lẽ sống, tôn thờ chủ nghĩa vật chất, luôn dán đồng tiền lên đỉnh đầu thì thật tội nghiệp. Hình như những người có tiền ở Việt Nam không hề có nhu cầu tự học hỏi để nâng tầm văn hóa của mình lên thì phải. Mà xin lỗi khi họ tự học hỏi để nâng văn hóa của họ lên, họ có một đời sống tinh thần đẹp hơn lên thì ấm vào thân họ trước.
Nhìn những người có tiền ở Việt Nam thật đáng thương, cũng uống rượu nhiều tuổi, cũng phì phèo xì gà, xe hơi đời mới, nhà cao to lênh khênh kiểu cách kiến trúc lẩu thập cẩm, 5 cha 3 mẹ tí Pháp tân cổ điển lai tí Ý, tí Ả rập…thế mà chơi toàn gỗ lũa, sư tử đá theo mẫu Lion King, đồ gốm Tầu rởm, nghe nhạc sến, treo tranh chép tranh nhái hoặc tranh đá quý (thực ra là đá rải đường nhuộm phẩm màu).
Còn một số những người rất rất nhiều tiền, những chủ doanh nghiệp to thì sao? Thử hỏi những ông bà chủ buôn đất, chủ resort hotel, chủ gỗ, chủ gạch, chủ sữa, chủ nhà băng ấy mấy đời nữa mới biết chia sẻ cho xã hội thông qua sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật, tài trợ in sách kinh điển, tài trợ cho những tài năng âm nhạc, các chương trình âm nhạc, sân khấu thể nghiệm, xây dựng bảo tàng…
Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: dantri |
Bảo tàng là nơi tốt nhất để mọi người có thể đến để học hỏi, tự trang bị cho mình những kiến thức phổ thông nhưng giả sử bạn có mặt ở các bảo tàng, Bảo tàng Lịch Sử, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Dân tộc học trong một ngày thì thử hỏi có mấy lần bạn gặp các nghệ sỹ, các ngôi sao, các thương gia, các chính khách ở đó. Huống hồ là người lao động bình thường. Các bảo tàng ở Việt Nam vẫn chỉ là điểm cho khách du lịch nước ngoài.
Tại sao lại chỉ đặt ra chỉ số tăng trưởng về kinh tế mà không có chỉ số tương tự về văn hóa. Một số hội thảo quốc tế gần đây có đề cập đến chỉ số Hạnh phúc quốc gia– Gross National Happiness ( GNH) trong đó giá trị văn hóa là một yếu tố.
Văn hóa không chỉ là phương tiện để phát triển kinh tế bền vững mà suy cho đến cùng thì nó là mục đích của phát triển kinh tế. Từ một cá nhân, một gia đình, một doanh nghiệp cho đến một quốc gia cũng vậy. Người ta lao động vất vả, kiếm tiền, giàu hơn và cuối cùng là để đạt được, phải đạt được một đời sống tinh thần giàu có hơn, vương giả hơn, một mặt bằng văn hoá cao hơn, một cuộc sống chất lượng hơn và đẹp hơn.
Gần 40 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã phát triển lên một bậc nhưng để văn hoá phát triển lên dù nửa bậc thì có lẽ gấp đôi, gấp ba khoảng thời gian đó cũng chưa chắc đã đủ nhưng dẫu sao thì cũng phải bắt đầu.
Ấy là chưa kể được là về kinh tế nhưng lại mất môi trường, mất di sản, mất văn hóa thì có bõ được không? có nhất thiết phải được theo kiểu đó không? có nên đánh đổi như vậy không? Mất vật chất thì còn hy vọng có lại nhưng mất tinh thần, mất văn hóa, mất truyền thống là mất hết.
Lê Thiết Cương
Chương trình hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi" sẽ trở lại với công chúng yêu nhạc vào 14 giờ, ngày Quốc khánh 2/9, tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong suốt 7 năm bền bỉ đến với công chúng yêu nhạc, dù một năm duy nhất (năm 2014) bị gián đoạn, "Điều còn mãi" sẽ lại tiếp tục đến với công chúng yêu nhạc thông qua các tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc của các nhạc sỹ gạo cội trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Trở lại năm 2016, hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi 2016" dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn do báo VietNamNet tổ chức với sự đồng hành của Tổng đạo diễn, NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi, người nhiều năm qua sống và chỉ huy dàn nhạc tại Macedonia. Các ca sĩ như Đăng Dương, Tùng Dương, Hồng Vy, Lê Anh Dũng, Thành Lê, Dàn hợp xướng ĐHSPNT Trung ương sẽ đồng hành cùng "Điều còn mãi 2016". Các tác phẩm được lựa chọn biểu diễn trong chương trình bao gồm: Quốc ca Việt Nam (Tác giả: Văn Cao; Biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); Chào mừng (Tác giả Trọng Bằng; Biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; Đàn bầu: Bùi Lệ Chi); Người là niềm tin tất thắng (Tác giả Chu Minh; Biểu diễn: Tùng Dương); Cảm xúc Tháng Mười (Tác giả Nguyễn Thành & Tạ Hữu Yên; Biểu diễn: NSƯT Hồng Vy); Bốn bức tranh (Tác giả Đặng Hữu Phúc; Biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); Tình ca Tây Bắc (Tác giả Bùi Đức Hạnh; Biểu diễn: Lê Anh Dũng); Hồ trên núi (Tác giả Phó Đức Phương; Biểu diễn Tùng Dương); Bạch Đằng Giang (Tác giả Trần Mạnh Hùng; Biểu diễn: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); Chào sông Mã anh hùng (Tác giả Xuân Giao; Biểu diễn: Đăng Dương); Quảng Bình quê ta ơi ( Tác giả Hoàng Vân; Biểu diễn: Thành Lê); Tình yêu của Biển (Tác giả Phú Quang; Biểu diễn: Solo Flute NSƯT Diệu Hồng & Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam); Dáng đứng Việt Nam (Tác giả Nguyễn Chí Vũ; Biểu diễn: Lê Anh Dũng). Kết thúc chương trình sẽ là bài Đất nước trọn niềm vui (tác giả Hoàng Hà), Dàn hợp xướng ĐHSPNT TW – các Ca sỹ và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. |