Sáng 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ. Mang theo các sơ đồ, chỉ dẫn góp ý cho dự án luật, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) bày tỏ, một đất nước văn minh, hiện đại thể hiện phần lớn qua giao thông, vì giao thông đi trước mở đường, ai cũng nhìn thấy và mọi người đều tham gia.

Góp ý cụ thể vào dự án luật, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết, ở nước ngoài có 3 mô hình: Điểm ngắm cảnh, điểm dừng và điểm dừng nghỉ. Hiện Bộ GTVT đã quy hoạch các điểm dừng nghỉ trên quốc lộ nhưng chỉ có một loại, trong khi "đất nước ta trải dài, non sông gấm vóc rất đẹp".

Đối với đường cao tốc thì chỉ đi qua chứ không dừng lại, còn ở đường quốc lộ được được dừng lại nhưng không có điểm dừng nên xe gắn máy, xe ô tô dừng lại thì rất nguy hiểm. Ông cho biết, ở nước ngoài thường chọn nơi có vị trí đẹp làm điểm ngắm cảnh, tạm thời nghỉ ngơi.

"Các cánh rừng Tây Bắc, ven biển miền Trung có phong cảnh rất đẹp. Tôi đề nghị dự thảo luật ngoài điểm dừng chân thì cần bổ sung thêm điểm ngắm cảnh. Điểm dừng chân muốn hiệu quả thì phải xã hội hóa, còn điểm ngắm cảnh thì Nhà nước phải làm", ông Cảnh đề xuất.

241120231050 nguyen van canh.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đưa hình minh hoạ, sơ đồ, dẫn chứng góp ý xây dựng luật lên nghị trường.

Về nhà để xe, đại biểu cho biết trong các TP hiện rất khó làm bởi "đầu tư thì tiền chẵn còn thu lại tiền lẻ" nên khuyến khích nhiều nhưng không ai làm. Ông đề nghị ngoài khuyến khích tư nhân đầu tư làm nhà để xe, cần có chính sách cho tư nhân được chuyển nhượng một phần chỗ để xe như là một tài sản hình thành trong tương lai.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, nếu có chính sách này, tư nhân sẽ có một nguồn tiền ban đầu để đầu tư, dùng tầng trệt để kinh doanh thương mại, cho thuê. Ông cho biết mô hình này được các nước áp dụng với kiến trúc xanh, đẹp, ấn tượng.

Về quy định làn đường, thứ tự làn đường, đại biểu tỉnh Bình Định cho biết, hiện không có quy định rõ nên "chúng ta tham gia giao thông không biết đang đi trên làn đường nào". Ông đề nghị đặt tên làn đường theo số: Với làn sát bên tay trái (tính theo đường xe chạy) là làn số 1, số thứ tự tăng dần 2,3,4...về bên phải; đặt tên làn đường theo chữ: làn đường số 1 sẽ gọi là làn sát trái, làn đường có số lớn nhất là làn sát phải, bên cạnh đó cũng đặt làn giữa, làn chính giữa. Sau này nếu nhiều đường quá phức tạp thì dùng ký hiệu trên đường, bảng chỉ đường sẽ không bị nhầm lẫn.

Về biển cảnh báo, đại biểu dẫn thực tế ở các nước dùng biển hình thoi với diện tích thể hiện nội dung nhiều hơn hình tam giác mà Việt Nam đang dùng. Ông cũng đề nghị không cho doanh nghiệp, người dân tự ý cắm biển cảnh báo của Nhà nước.

Về sơn biển báo tốc độ, phương tiện trên mặt đường, ông Cảnh cho biết hiện có nhiều biển gộp thông tin, người dân rất khó xem, chưa kể biển báo bị che khuất. Ông cho rằng với những đường rộng, người dân khó quan sát thì cần vẽ biển báo lên mặt đường. "Chúng ta sẽ vẽ dạng hình thoi trên mặt đường, khi lái xe trên mặt đường nhìn chéo xuống hình thoi sẽ thành hình tròn được hiển thị rõ", ông Cảnh góp ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) góp ý về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Đại biểu khẳng định, việc pháp luật có quy định riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động đưa đón học sinh đi lại giữa nơi ở và nơi học tập, hoặc tham gia hoạt động khác của nhà trường là rất cần thiết. Trẻ em là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, thực tiễn đã xảy ra không ít vụ tai nạn đáng tiếc, nhất là liên quan đến việc đưa đón học sinh. 

241120230934 nguyen thi mai thoa.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa

Nữ đại biểu đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo khi cùng quy định về nội dung này ở cả Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ mà không trùng nhau. Tuy vậy, đại biểu cho rằng, các nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Bà đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ quy định chung về vận tải hành khách. 

Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho biết, có rất nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc để quyết định quy định ở một luật hay cả 2 luật. Đại biểu phân tích về xe đưa đón học sinh, khi trên xem có lái xe, quản lý học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ đang quy định lái xe cần phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ thì chỉ có quy định đối với người quản lý.

241120230941 nguyen hai dung.jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng

"Một xe 2 người được điều chỉnh bằng 2 luật. Khi áp dụng thực tiễn sẽ rất phiền phức cho đơn vị kinh doanh vận tải, nhà trường và cơ quan xử lý", ông Dũng nêu bất cập và đề nghị đưa thâm niên người lái xe vào Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.