Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, vấn đề giá vàng và quản lý thị trường vàng được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nhắc đến một số biến động bất thường của thị trường, như thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
Đại biểu cho rằng, cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
"Đối với thị trường vàng, chúng ta có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi. Đối với thị trường bất động sản, việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân cũng cần phải điều chỉnh", Đại biểu Tạ Thị Yên phân tích.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng bày tỏ lo ngại khi giá vàng thời gian qua biến động mạnh. Giá vàng thế giới tăng cao, thì trong nước phải tăng theo, song theo Đại biểu Cường mức độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ngày càng lớn.
Khi giá vàng tăng cao sẽ tác động đến rất nhiều yếu tố, tâm lý của người dân sẽ ảnh hưởng. Người dân sẽ đổ xô đi mua, tích trữ vàng thay vì đem tiền đi đầu tư, gửi tiết kiệm hay sản xuất kinh doanh. Ông đề nghị Nhà nước phải sớm có biện pháp đưa giá vàng trong nước về trạng thái bình ổn, ít nhất là phải tương đồng với thế giới.
Về dài hạn, ông đề nghị sửa đổi Nghị định 24, bởi các quy định tại văn bản này chỉ còn hiệu quả trong giai đoạn trước đây nhưng hiện nay đang gây tác dụng ngược trong quản lý thị trường vàng.
Với ứng phó linh hoạt hiện nay, ông dẫn câu chuyện Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu vàng để tăng cung, nhằm giảm giá. Thực tế, cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng lên nhiều hơn.
Ông Cường phân tích: “Như vậy, mục tiêu lúc này không phải giảm giá mà là đấu thầu vàng làm sao thu được nhiều tiền. Nếu mục tiêu là để giảm giá, liên thông giá vàng trong nước với quốc tế thì giá tham chiếu phải bằng giá vàng thế giới cộng với các loại thuế phí và nhu cầu. Bên cạnh đó, khi đấu thầu, anh nào mua vào phải bán ra với giá sát nhất của giá tham chiếu thì mới được thắng thầu".
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cùng quan điểm với Đại biểu Hoàng Văn Cường về việc cần hết sức thận trọng trong quản lý vàng, nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được và có thể quay lại tình trạng vàng hoá như trước đây.
“Việc Ngân hàng Nhà nước càng đấu thầu, giá vàng càng lên chỉ là hiện tượng trong giai đoạn đầu. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh "vàng hoá"”, đại biểu Phạm Đức Ấn nói.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) dành nhiều thời gian nói về sự "nhảy múa" của giá vàng thời gian qua. Theo ông, bất hợp lý của thị trường vàng hiện nay là sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với vàng thế giới dù đã có nhiều cách nhưng không thu hẹp được.
“Việc đấu giá lại càng hâm nóng thị trường vàng. Nguyên nhân có thể là do cách thức làm vừa rồi không rõ mục tiêu”, ông Trần Văn Lâm nói.
Ông Trần Văn Lâm băn khoăn với việc giá vàng đem ra đấu giá gần sát với giá thị trường chứ không phải là giá vàng thế giới. Còn nếu giá vàng thế giới lên, trong nước cũng lên là chuyện của thị trường, không điều chỉnh được.
Ông đề xuất để giá vàng sát giá thị trường thế giới thì phải tính đúng, đủ giá thành của vàng trong nước làm giá khởi điểm đấu giá. Cụ thể, đó là lấy giá vàng của thế giới quy đổi ra tiền Việt Nam cộng với các chi phí nhập khẩu và các chi phí khác ra giá khởi điểm đấu giá.
“Vừa qua, chúng ta lại mang vàng ra đấu giá sát với giá khởi điểm sát giá thị trường Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ với vấn đề này là như thế nào? Chúng ta muốn bán vàng với giá cao để thu về nhiều tiền hay đấu giá để ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân?”, ông Trần Văn Lâm nói.