“Thiền là gì?” là một cuốn sách “bỏ túi”, ghi chép lại những câu nói của nhà tư tưởng Krishnamurti về thiền định, cũng là chủ đề thường xuyên được nhắc đến trong những bài giảng của ông.
Đây là một cuốn sách rất khác biệt về thiền. Tác phẩm không đưa ra phương pháp hay kỹ thuật thiền cụ thể mà tập trung bẻ gãy những quan niệm hiện có về thiền. Krishnamurti khuyến khích sự tự hiểu biết của độc giả, để từ đó có thể tự mình "mở cánh cửa thiền."
Đừng bắt đầu bằng một phương pháp
“Từ thiền đang bị nhồi nhét quá nhiều. Ở châu Á, nó được gán cho một ý nghĩa đặc thù. Có nhiều trường phái thiền, nhiều hệ thống và phương pháp khác nhau nhằm tạo ra sự chú tâm”, Krishnamurti nói.
Theo vị triết gia, có vài hệ thống còn dạy thiền như một cách để kiểm soát, theo một ý niệm, nhìn chăm chú vào hình ảnh, chọn cụm từ và đi sâu vào nó, lắng nghe một từ rồi nương theo âm thanh đó, lặp đi lặp lại một cụm từ tiếng Phạn… Krishnamurti cho rằng những phương pháp trên giống tự thôi miên trí não hơn là thiền.
“Tất cả cách hình thái thiền này đều bao hàm hoạt động của tư tưởng, hoạt động bắt chước, động thái tuân theo, tức là một trật tự được thiết lập trước. Họ gọi đây là thiền - kể cả Zen. Nhưng với diễn giả, tất cả những thứ trên đều không phải là thiền”, ông nói.
Theo Krishnamurti, sự kiểm soát hay bắt chước không thể mang lại nhạy bén và trí tuệ, vốn là bản chất của thiền. Phương pháp, hệ thống và bài thực hành không phải là thiền vì chúng yêu cầu tuân thủ khuôn mẫu do người khác đặt ra.
Hơn nữa, bất kỳ hình thức luyện tập thiền có chủ ý nào cũng đều là “một dạng ham muốn”, bao gồm mong cầu, tìm kiếm và khao khát đạt được. Khi đó, “muốn tìm sự tĩnh lặng cũng chẳng khác nào muốn tìm vui thú".
Bắt đầu với câu ‘Tôi không biết’
Theo Krishnamurti, điều kiện tiên quyết của thiền định là chấm dứt các phương pháp, lời khuyên và truyền thống cũ liên quan đến thiền. Thiền yêu cầu “sự thanh tẩy cái đã biết” và khi đó, “người tìm kiếm” bên trong mỗi chúng ta cũng biến mất.
“Tôi không biết thiền là gì nên tôi bắt đầu từ chỗ đó. Nhờ vậy, tôi bắt đầu với sự tự do, chứ không phải với gánh nặng của người khác”, ông nói.
Theo Krishnamurti, thay vì hỏi “Làm cách nào để thiền?”, mỗi người nên bắt đầu với câu hỏi “Thiền là gì?”. Câu hỏi “Làm thế nào?” chỉ dẫn đến sự tuân thủ, trong khi câu hỏi “Thiền là gì?” mới mở ra cánh cửa thiền. Đây là sự khởi đầu của thiền định.
Một câu chuyện trong sách có thể gợi ý rõ hơn cho bạn đọc, Krishnamurti kể về một người đàn ông, ngày ngày, khi trời gần sụp tối, ông lại đến ngồi xếp bằng ở công viên. Trong nửa giờ đồng hồ, ông lặp đi lặp lại một câu kinh hay lời chú nào đó, không biết rằng “đằng sau là hoa nhài đang bung nở”.
“Mặt đất tràn ngập những hoa và vẻ đẹp của khoảnh khắc ấy đang nằm khắp xung quanh”. Nhận thức được từng chuyển động, từng vẻ đẹp của cuộc sống mới chính là thiền. Nhưng tiếc thay, người đàn ông kia lại mải đắm chìm trong một phương pháp của riêng mình mà bỏ qua thực tại…
“Thiền không phải là một tiến trình của trí năng, nó là sự vượt thoát khỏi tư tưởng và là một động thái trong khoảnh khắc xuất thần của sự thật”, J. Krishnamurti nói.
“Thiền là gì?” chỉ dày 128 trang, rất cô đọng và ngắn gọn. Những câu nói của Krishnamurti được tổng hợp lại theo cách mà mỗi lần đọc, ta có thể giở ra một trang, nghiền ngẫm một câu nói, để được nhắc về ý nghĩa chân thật của thiền định.
Những câu nói của Krishnamurti trong sách đã được trích dẫn mà không kèm theo bối cảnh cụ thể của những bài giảng. Tuy nhiên, danh sách những bài giảng gốc được ghi chú ở cuối sách, người đọc quan tâm có thể tra cứu video gốc nếu cần.
“Thiền là gì?” là cuốn sách để mọi người phá vỡ những quy tắc, khuôn khổ và thẩm quyền đã và đang ràng buộc ta về thiền, để từ đó, ta có thể nhìn thiền, tiếp cận thiền theo một cách hoàn toàn khác - độc nhất, mới mẻ và tự do tuyệt đối.
Krishnamurti là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại, cả Phương Đông lẫn Phương Tây đều chào đón ông như bậc đạo sư uyên bác nhất.
Các tựa sách của Krishnamurti đã được xuất bản tại Việt Nam: Tự do đầu tiên và cuối cùng, Bạn đang nghịch gì với đời mình, Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống, Tự do vượt trên sự hiểu biết, Thế giới trong bạn, Cuộc đời phía trước, Như ta là, Đánh thức trí thông minh, Đôi điều cần suy ngẫm, Thiền là gì?...