Phát biểu tại lễ công bố trao đổi tù nhân hôm 1/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả đây là sự kiện lớn nhất kiểu này kể từ Chiến tranh Lạnh và là "một kỳ tích của ngoại giao và hữu nghị". Dẫu vậy, Nhà Trắng đã hạ thấp khả năng động thái sẽ giúp hóa giải căng thẳng giữa Mỹ và Nga về một loạt các vấn đề an ninh toàn cầu khác, đặc biệt là chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.
Theo báo The Hill, khi được hỏi liệu cuộc trao đổi tù nhân có thể thúc đẩy đối thoại với nhà lãnh đạo Nga hay không, ông Biden đáp: "Tôi không cần phải nói chuyện với Vladimir Putin’.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho biết, các cuộc đàm phán về tù nhân là quá trình riêng rẽ so với những hoạt động ngoại giao liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine, nơi Kiev vẫn sẽ dẫn đầu bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào. Quan chức này nói thêm, Washington đã không có tương tác trực tiếp nào với Tổng thống Putin về việc trao đổi tù nhân nhưng có các cuộc trao đổi rộng rãi với giới chức Nga.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, mối quan hệ giữa Moscow và Washington đã sụt giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Song, các cuộc đàm phán dẫn đến cuộc trao đổi ngày 1/8 cho thấy các kênh liên lạc giữa giới chức hai bên vẫn mở.
Theo đài CNN, các tướng lĩnh cấp cao của Mỹ và Nga cũng tiếp tục duy trì các đường dây liên lạc quan trọng, chủ yếu để giữ cho hai nước không vô tình đi chệch hướng sang xung đột công khai.
“Những kênh liên lạc đó rất nhạy cảm và cần được bảo vệ vì lí do chính đáng. Việc duy trì các kênh nhạy cảm như vậy cho phép chúng tôi tạo ra kết quả như ngày hôm nay”, ông Sullivan giải thích.
Theo thỏa thuận, Nga và nước đồng minh Belarus phóng thích 16 tù nhân, gồm 3 công dân Mỹ, một người có thẻ xanh (thường trú nhân) Mỹ, 5 người Đức và 7 tù nhân chính trị Nga để đổi lấy tự do cho 8 công dân Nga bị giam giữ ở Mỹ, Đức, Ba Lan, Na Uy và Slovenia.
Alena Kudzko, Phó chủ tịch phụ trách chính sách và lập chương trình tại tổ chức tư vấn GLOBSEC ở Slovakia, nhận định thỏa thuận nói trên là "đỉnh cao của một loạt nỗ lực lâu dài từ cả hai phía”. Bà cũng phản ánh Nga và Belarus đều muốn thử nghiệm xem họ có thể đi xa đến đâu trong đàm phán với các nước phương Tây, ví dụ như có thể đạt được những nhượng bộ về lệnh trừng phạt hay không.
Các nguồn thạo tin tiết lộ, một trong những phần quan trọng của thỏa thuận dường như xoay quanh việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz đồng ý thả Vadim Krasikov, một sát thủ người Nga bị kết án, khỏi nhà tù Berlin. Ông Putin từng đề cập đến Krasikov trong danh sách những người Nga mà Moscow muốn dùng để trao đổi với tự do của các tù nhân Mỹ.
"Những yêu cầu Moscow đưa ra đòi hỏi tôi phải đạt một số nhượng bộ đáng kể từ Đức", Tổng thống Mỹ Biden nói.
Trong số những công dân Đức được phóng thích lần này có Rico Krieger, người bị bắt ở Belarus vào tháng 10/2023 vì cáo buộc “hoạt động lính đánh thuê” và bị Minsk kết án tử hình vì tội khủng bố cùng các tội danh khác. Krieger đã được Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ân xá trong những ngày gần đây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cũng chứng minh khả năng trở thành người đối thoại chủ chốt giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây với Nga và đồng minh Belarus, ngay cả khi ông Erdoğan vẫn là tâm điểm gây tranh cãi trong NATO và đe dọa sẽ tấn công Israel, nước được Washington hứa bảo vệ, vì chiến dịch tấn công quân sự chống Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Những tù nhân do Nga phóng thích đã được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi họ đổi máy bay để về đoàn tụ với gia đình ở Mỹ và châu Âu.
Cựu quan chức ngoại giao Belarus Valery Kavaleuski, giám đốc điều hành Cơ quan Các vấn đề châu Âu - Đại Tây Dương coi đây là “một tiền lệ tích cực, phản ánh thực tế rằng ngay cả khi quan hệ giữa các bên không tốt, họ vẫn đang đạt được một số giải pháp cho các vấn đề nhân đạo như vậy”.
Tuy nhiên, các chuyên gia như John Herbst, người từng giữ chức đại sứ Mỹ tại Ukraine và đang làm Giám đốc Trung tâm Á - Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, cảnh báo còn quá sớm để biết cuộc trao đổi tù nhân có báo hiệu sự mở đầu cho hoạt động ngoại giao sâu rộng hơn giữa Mỹ - Nga hay không, khi hai bên còn quá nhiều bất đồng và xung đột lợi ích ở nhiều vấn đề địa chính trị.
Nhiều nhà phân tích nhất trí rằng, cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua với Nga có thể giúp “đánh bóng” di sản chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Biden trong những tháng cuối nhiệm kỳ và tăng lợi thế cho Phó tổng thống Kamala Harris, người sẽ thay ông đại diện đảng Dân chủ “đấu chung kết” với đối thủ Cộng hòa Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Song, diễn biến cũng sẽ khiến ông Biden nhanh chóng hứng chịu chỉ trích từ phe Cộng hòa, những người cáo buộc thỏa thuận đi kèm với “giá đắt” là khuyến khích các kẻ thù Mỹ bắt giữ công dân nước này làm con tin để yêu sách.
Những tranh cãi như vậy được tin sẽ cản trở khả năng Washington tiến xa hơn nữa trong đối thoại với Moscow hay điều chỉnh lập trường cứng rắn hiện tại trước Nga. Do đó, khả năng “tan băng” trong quan hệ song phương hiện rất thấp, ít nhất trong tương lai gần.