Lửa đạn chiến tranh chưa bao giờ khiến những chiến sĩ quả cảm đó sợ hãi, rơi nước mắt. Thế nhưng họ đã khóc trong ngày trở lại.

Thăm chiến trường xưa

Cuối năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1960 - xã Hòa Long, TP Bắc Ninh) và thanh niên trong xóm xung phong nhập ngũ, lên mặt trận biên giới phía Bắc.

Họ đều ở lứa tuổi 17 - 20, hừng hức nhiệt huyết và chưa từng biết đến dư vị của tình yêu. 

Đại đội 3, trung đoàn 103 (Quân khu 1) của bà Tuyết đóng quân tại thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao Bằng).

{keywords}
Các chiến sĩ nữ của đại đội 3, sư đoàn 103 tại Cao Bằng năm 1979

Những ngôi nhà nhỏ của dân bản trở thành nơi tập kết cho các chiến sĩ trẻ. Quân với dân như cá với nước, yêu thương đùm bọc, che chở nhau.

Rạng sáng 17/2/1979, chiến sự nổ ra. Quân Trung Quốc từ bên kia biên giới tràn sang tay súng, tay lăm lăm mã tấu, dao, rựa… tiến sâu vào lãnh thổ nước ta.

Đại đội 3 phần lớn là nữ, bất ngờ nằm gọn trong vòng vây của địch. 17 ngày đêm, có lúc họ tưởng sẽ bỏ xác nơi thâm sơn, cùng cốc. Hai chiến sĩ nam anh dũng hi sinh dưới làn đạn lửa dữ dội.

Mọi người lặng lẽ nhắn nhủ đồng đội ở lại, nhỡ tử trận, giúp mình gửi gắm di nguyện cho gia đình.

Ngày 5/3, Trung Quốc đột ngột rút quân. Đơn vị của bà Tuyết tìm đường về hậu cứ nhờ sự giúp đỡ của 3 dân quân du kích địa phương.

Hơn 100 con người băng qua các cánh rừng hiểm trở, hành quân suốt 3 ngày 2 đêm. Trưa 7/3/1979, đơn vị ra đến đèo Cao Bắc an toàn.

{keywords}
Cựu chiến binh Nguyễn Thị Tuyết

Đại đội 3 tiếp tục chuyển về Nà Phặc (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn ngày nay) làm công tác tải đạn, phục vụ cho tuyến trên.

Năm 2009, nghỉ hưu với quân hàm trung tá, bà Tuyết cùng một số chị em thành lập Ban liên lạc đại đội 3, lấy ngày nhập ngũ 17/8 làm thời gian họp mặt. Không ai nói ra nhưng trong lòng các cựu binh luôn đau đáu, hi vọng 1 ngày quay lại trận địa năm xưa.

Lửa đạn chiến tranh chưa bao giờ khiến những chiến sĩ quả cảm đó sợ hãi, rơi nước mắt. Thế nhưng họ đã khóc trong ngày trở lại.

Năm 2015, tập hợp được khoảng 20 cựu binh đại đội 3, họ cùng lên Cao Bằng. Chẳng ai còn nhớ đường vào bản nên khởi hành ở Bắc Ninh từ 2 giờ sáng mãi đến 2 giờ chiều, đoàn mới tìm được đường vào.

Đặt chân xuống xe, bao kỷ niệm bỗng chốc ùa về. Mỗi bước đi của đoàn đều khe khẽ, bởi biết đâu dưới lớp đất kia, đồng đội, người dân vô tội ngã xuống trong những cuộc chiến biên giới năm 1979 vẫn còn đó…

Giây phút trùng phùng, gặp gỡ gia đình từng cưu mang chiến sĩ, bà Tuyết có chút thất vọng vì người dân không nhận ra mình. Phải một lúc lâu họ mới sực nhớ ra. Nước mắt không ngừng rơi.

Cũng phải thôi, năm ấy, các chiến sĩ đều ở độ tuổi đôi mươi, bây giờ tất cả mái tóc đã ngả bạc.

Một số gia đình, nơi đùm bọc bà Tuyết đã chuyển đi xây dựng kinh tế mới từ lâu.

Chuyến đi đầu tiên chưa đạt được tâm nguyện. Người nữ cựu binh và đồng đội còn muốn nhiều hơn, đó là tri ân tấm lòng của bà con thôn Hào Lịch.

{keywords}
Các chiến nữ của đại đội 3 trong chuyến trở lại Hòa An lần đầu tiên

Hai năm sau, cựu chiến binh đại đội 3 trở lại đây lần 2. Chuyến đi này họ mang theo quần áo, chăn chiếu, màn tuyn và nhu yếu phẩm cùng số tiền nhỏ.

Số hàng hóa đều do các cựu chiến binh tự bỏ tiền túi quyên góp, phát cho các hộ nghèo, còn tiền mặt ủng hộ cho thôn sửa chữa lại mái nhà văn hóa.

Trong chuyến đi này, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà Tuyết hội ngộ với 1 trong 3 người từng dẫn đường cho đại đội 3 ra khỏi rừng năm xưa.

Đêm đó, hội cựu chiến binh đại đội 3 đã mang lời ca, tiếng hát tặng cho bà con như lời tri ân sâu sắc.

“40 năm trôi qua nhưng ký ức chiến tranh chưa bao giờ phai nhạt trong lòng chúng tôi”, bà Tuyết nghẹn ngào nói.

Giặc hết rồi, sao các anh không dậy?

Đồng đội ơi ! nằm mãi không dậy đi

 
Chiều biên giới đang dần dần tắt nắng.

Đồng đội thăm anh nơi nghĩa trang tĩnh lặng

Gần 40 năm anh nằm sâu dưới mộ

Giặc hết rồi, sao các anh không dậy?

Chúng mình bên nhau khi mái tóc còn xanh.

Mà giờ đây cả mái đầu đã bạc.

Nhớ năm xưa mình dùng chung một bát

Hái nắm rau rừng thành canh đắng chia nhau

Thay chốt về đứa trước người sau

Điếu thuốc chia tư…dòng thư cùng đọc

Nghe tin mẹ, cả chúng mình cùng khóc…

Đây là trích đoạn bài thơ “Nước mắt người lính già”, do ông Trần Anh Tuấn (SN 1960 - Sóc Sơn, Hà Nội) sáng tác. Ông Tuấn thuộc sư đoàn 326 (Quân khu 2) chiến đấu ở Lai Châu năm 1979.

{keywords}
Cựu chiến binh Công gục khóc bên phần mộ đồng đội. Ảnh: Trần Anh Tuấn.

Mặt trận bình yên, ông buông tay súng, trở về quê hương nhưng hàng năm, ông cùng các cựu chiến binh sư đoàn 326 sinh sống ở khu vực Sóc Sơn (Hà Nội) và Mê Linh (Vĩnh Phúc) vẫn thường xuyên gặp mặt, ôn lại chuyện cũ.

13/10/2018, các cựu chiến binh này lên Lai Châu nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập sư đoàn.

Bên cạnh Phong Thổ, Pa Tần… những trận địa xưa, họ đến thăm nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Lai Châu, thắp nén tâm hương lên Đài tưởng niệm liệt sĩ để tưởng nhớ những đồng đội đã hi sinh.

Ông Bùi Huy Công - một cựu chiến binh trong đoàn đã gục xuống khóc như mưa bên di mộ của liệt sĩ Bùi Văn Tỉu - người anh em thân thiết từ ngày nhập ngũ. 40 năm ông vẫn nhớ như in ngày giờ mất của liệt sĩ Tỉu. 

Chứng kiến cảnh tượng xúc động đó, ông Trần Anh Tuấn đã sáng tác bài thơ kể trên.

{keywords}
Ông Trần Anh Tuấn - cựu binh sư đoàn 326.

“Trong chuyến đi này, chúng tôi mua 1.000 chiếc áo rét tặng cho các cháu học sinh học tại điểm trường gần trên chốt và 30 chiếc xe đạp.

Những việc này diễn ra hàng năm vào dịp 27/7, 30/4. Năm nay chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức lễ kỷ niệm tại Phong Thổ, tri ân bà con địa phương đã giúp đỡ sư đoàn trong năm tháng chiến tranh”.

Trở lại chiến trường xưa, nhìn sự thay đổi, phát triển từng ngày, lòng những người lính già bỗng thấy ấm lại. Vùng trời tổ quốc họ và hàng nghìn liệt sĩ ngã xuống bảo vệ, nay đã mang màu sắc khác, là hi vọng, là hạnh phúc.

Video:

Diệu Bình

Biên giới tháng 2/1979: Những ký ức không thể lãng quên

Biên giới tháng 2/1979: Những ký ức không thể lãng quên

"Nếu như cuộc chiến tranh biên giới 1979 giống như một cái hố ngăn cách thì tuyệt đối không được lấp cái hố ấy đi nhưng cũng không được khoét rộng nó ra".