Cuộc thi là cơ hội để bà con người Sán Dìu phát huy sáng kiến sử dụng các làn điệu dân ca truyền thống (hát Soọng Cô) và các tiểu phẩm ngắn để truyền thông nâng cao kiến thức cho mọi người, chống COVID-19 và các bệnh dịch khác, tạo sự kết nối trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu trên địa bàn xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Các hình thức sân khấu hóa là phương pháp hiệu quả mà xã Minh Quang đã có kinh nghiệm thực hiện trong công tác truyền thông, huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng người dân tộc Sán Dìu cũng như người dân trong địa bàn xã.
Cuộc thi là sáng kiến thuộc khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch COVID-19 tại Việt Nam (SPR-COVID)”. Dự án do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) triển khai thực hiện với sự tài trợ từ Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản (JSDF) thông qua Ngân hàng Thế giới.
Ông Lưu Như Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang đánh giá cuộc thi đã tạo sân chơi cho cán bộ và nhân dân, các câu lạc bộ Sán Dìu có cơ hội giao lưu, học hỏi. Từ đó có thể giúp ích thiết thực nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cuộc thi cũng là dịp truyền thông về sức khoẻ cho bà con, bởi trên thực tế, vốn hiểu biết của đồng bào dân tộc Sán Dìu vẫn còn hạn chế, thông qua cuộc thi này sẽ tạo điều kiện để bà con nơi đây học tập, giao lưu.
Ông Lưu cho biết thêm, khi biết có chương trình này Đảng uỷ, UBND xã đã chỉ đạo trực tiếp xuống các thôn có đồng bào dân tộc Sán Dìu tạo điều kiện cho bà con tập luyện.
Ông Lâm Văn Ba, trưởng nhóm Câu lạc bộ Người Sán Dìu, khẳng định sáng kiến này là vì sức khỏe cộng đồng, phòng tránh các loại bệnh truyền nhiễm của xã hội nên bà con dân tộc Sán Dìu rất hưởng ứng.
“Chúng tôi rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia cuộc thi. Chúng tôi đã chuẩn bị tập luyện khoảng 20 ngày cho cuộc thi hôm nay. Mong là hoạt động này được diễn ra thường xuyên hơn để chúng tôi có cơ hội tăng thêm hiểu biết, từ đó giúp truyền thông tới đông đảo nhân dân”, ông Ba nói.
Chị Lưu Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Minh Quang gửi lời cảm ơn tới Ban tổ chức cuộc thi đã tạo điều kiện cho chị em dân tộc Sán Dìu được thể hiện trên sân khấu. Sau cuộc thi này, các chị em được nâng cao kiến thức về phòng chống dịch bệnh, từ đó tuyên truyền cho gia đình, bạn bè và người dân xung quanh.
Chia sẻ thêm với phóng viên, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Giám đốc dự án cho biết, thông thường các hoạt động, đặc biệt là những hoạt động tuyên truyền về y tế, sức khỏe thường chỉ phổ biến đến người dân nói chung mà các nhóm xã hội đặc biệt như nhóm dân tộc thiểu số hoặc là các nhóm có nhu cầu đặc biệt khác ít được tiếp cận.
“Dự án này tiếp cận đến các nhóm mà chúng ta thường hay gọi là những nhóm thiệt thòi, những nhóm khó tiếp cận. Chúng tôi mong muốn qua hoạt động này bà con người dân tộc nói chung và bà con người Sán Dìu nói riêng được nâng cao nhận thức, được cung cấp thêm các kiến thức để có thể sẵn sàng ứng phó với những đại dịch tương tự như COVID-19”, TS. Khuất Thu Hồng nói.
Theo bà Hồng, mặc dù đại dịch COVID-19 đã qua nhưng chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng để ứng phó với những tình huống khẩn cấp tương tự như vậy. Do đó, Ban quản lý dự án mong muốn qua các hoạt động này có thể kết nối bà con người dân tộc Sán Dìu nói riêng không chỉ ở Tam Đảo mà còn ở các địa phương khác. Từ đó khuyến khích sự tham gia của bà con dân tộc thiểu số vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và bảo vệ sức khỏe.