Cùng với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn xã Cát Khánh.

Nhiều công trình hạ tầng cơ sở thiết thực đã được đầu tư mới trong quá trình xây dựng nông thôn mới như làm đường bê tông, xây dựng công trình thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế.

Đường xã ở Phù Cát đã được bê tông hóa. Ảnh: Hội Nông dân Việt Nam.

Cơ sở hạ tầng ở nông thôn đã được đổi thay. Xã đã đầu tư xây dựng hoàn thành gần 35,8km đường bê tông xi măng, hơn 10,5 km đường cấp phối, gần 12,3km kênh mương nội đồng và nhiều công trình văn hóa, xã hội. Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa và bê tông hóa; 100% đường trục thôn, xóm và gần 84,5% đường trục chính nội đồng được cứng hóa; hơn 84,8% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa.

Nguồn vốn để xây dựng từ nguồn hỗ trợ và kinh phí của địa phương. Trong đó, người dân đã hiến 13.715m2 đất và tháo dỡ nhiều công trình kiến trúc với tổng trị giá hơn 14,6 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường giao thông liên thôn, xóm.

Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn được quan tâm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 2 - 4%.  

Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông ngư nghiệp, địa phương đã tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu, do đó đã góp phần tích cực cho sản xuất bền vững. Nhờ hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư, địa phương đã tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, vừa thực hiện công tác giảm nghèo, vừa đẩy nhanh tiến độ chương trình nông thôn mới. 

Thu Huế